Cải cách tư pháp, tránh oan sai

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử… là những mối quan tâm hàng đầu của hai ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII thuộc khối tư pháp. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh và Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Phạm Văn Gòn cùng khẳng định: Với kinh nghiệm hàng chục năm công tác pháp luật, nếu trúng cử ĐBQH, các ông sẽ có điều kiện đóng góp thiết thực vào quá trình làm luật của Quốc hội.

Ứng cử viên Huỳnh Ngọc Ánh: Xử nghiêm tội phạm tham nhũng

Cải cách tư pháp, tránh oan sai ảnh 1
Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh, ứng cử viên ĐBQH đơn vị bầu cử số 7 (quận 2, 9, Thủ Đức), khẳng định chống tham nhũng và lãng phí chính là vấn đề bức xúc nhất hiện nay.

. Với cương vị của mình, ông có những hoạt động cụ thể nào đấu tranh chống tham nhũng?

+ Không chỉ đến khi tiếp xúc với các cử tri tôi mới nhận thấy đây là vấn đề bức xúc trong dân. Ngay trong quá trình công tác hơn 30 năm qua tại ngành tòa án, tôi đã nhận thức được rất rõ điều này…

Năm 2011, ngành tòa án chúng tôi đã triển khai việc thực hiện công khai, minh bạch “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành TAND” theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. TAND TP cũng tập trung rà soát các vụ án tạm đình chỉ để giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn; tổ chức kiểm tra, tập trung giải quyết án quá hạn. Tòa tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc với các án bị hủy, sửa lại do lỗi chủ quan của các thẩm phán. Công tác kiểm tra, nâng cao hiệu quả giám đốc thẩm, tái thẩm; xử lý nghiêm khắc các trường hợp cán bộ công chức của ngành vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của ngành… được lãnh đạo tòa đặc biệt chú trọng.

Với chức năng xét xử, tòa án kiên quyết xử lý tội phạm tham nhũng thật nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung. Đồng thời, không để tình trạng bỏ lọt người, lọt tội trong các vụ tham nhũng ngay từ những vụ có giá trị không lớn.

. Còn tâm huyết của một thẩm phán nếu được bầu làm ĐBQH thì sao, thưa ông?

+ Điều tôi mong muốn nhất là cùng các đại biểu khác tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật mang tính hiện đại, ổn định lâu dài và đảm bảo phát triển kinh tế hội nhập quốc tế. Hệ thống pháp luật phải đảm bảo cho pháp luật đạt đến mục đích cuối cùng là công bằng trong xã hội. Đây chính là thiên chức của pháp luật mà tôi tâm niệm bấy lâu.

Ông Huỳnh Ngọc Ánh sinh năm 1962 ở Bình Định, lấy bằng thạc sĩ luật từ năm 1996, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ luật. Năm 1997, ông được bổ nhiệm làm chánh án TAND quận 9, TP.HCM. Từ 2004 đến nay, ông giữ chức vụ phó chánh án TAND TP.HCM. Năm 2008, ông được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Ba.

Mặt khác, tôi mong muốn xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án có đủ phẩm chức đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Điều này góp phần xây dựng ngành tòa án xứng đáng là vị trí trung tâm của nền tư pháp nước nhà, là nơi bảo vệ công bằng pháp luật cho mọi người dân. Tôi mong nhiệm kỳ của thẩm phán dài hơn, ít nhất là 12 năm hoặc suốt đời. Cạnh đó, nên kéo dài tuổi hưu cho họ vì đặc thù của nghề thẩm phán rất cần những người có kinh nghiệm.

Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị QH giải quyết lương bổng, phụ cấp cho các cán bộ tòa. Hiện nay, mức lương của họ rất thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng làm việc. Nhiều anh em trong ngành bức xúc về mức lương, hệ số lương, ngạch bậc của thẩm phán cấp quận, huyện trước và sau khi tăng thẩm quyền vẫn giữ nguyên. Đây là sự bất cập chưa kịp thời điều chỉnh khi tăng trách nhiệm nhưng thu nhập không tăng...

Ứng cử viên Phạm Văn Gòn: Phải có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa

Cải cách tư pháp, tránh oan sai ảnh 2
“Cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử, không để lọt người lọt tội là những mối quan tâm hàng đầu của tôi nhưng phải an dân trước đã. Bởi muốn đất nước giàu mạnh, ổn định thì trước hết phải được lòng dân” - Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Phạm Văn Gòn, ứng cử viên ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 3 (quận 6, Bình Tân), chia sẻ.

. Là “tổng chỉ huy” ba mảng kiểm sát xét xử án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; kiểm sát thi hành án dân sự và kiểm sát việc khiếu tố, khiếu nại, chắc hẳn ông cũng nghe rất nhiều bức xúc của người dân trong hoạt động tư pháp?

+ Đúng vậy, tôi thấy dân ta còn bức xúc nhiều lắm. Với chức năng của mình, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với công an, tòa án để đẩy lùi phiền hà, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt phải kiên quyết phòng chống các loại tội phạm về tham nhũng, ma túy, tội phạm có tổ chức, không oan sai, không để lọt người lọt tội. Cạnh đó, tôi sẽ kiến nghị hoàn thiện pháp luật bằng cách đề xuất sửa đổi các bộ luật, góp ý ban hành các hướng dẫn để gỡ rối về các quy định tố tụng.

. Trong tiến trình cải cách tư pháp, điều gì luôn làm ông đau đáu kể cả khi làm lãnh đạo VKS hoặc sẽ trở thành ĐBQH?

Ông Phạm Văn Gòn sinh ngày 20-4-1956 tại Bến Tre, trình độ cử nhân luật. Bắt đầu từ 1977 chuyển về công tác tại VKSND TP. Từ tháng 12-2003 đến nay làm phó viện trưởng. Tháng 10-2010 trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ TP, hiện là thành ủy viên.

+ Đó là làm sao để có những phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa. Cải cách tư pháp xác định lấy tòa án làm trung tâm và việc tranh tụng tại tòa làm hình mẫu cho nên vai trò của kiểm sát viên rất quan trọng. Tôi quán triệt rõ và ra quy định kiểm sát viên phải có nghĩa vụ tranh luận lại với luật sư và đáp lại ý kiến của hội đồng xét xử chứ không còn kiểu thích thì nói, không thích thì bảo lưu quan điểm như trước đây. Quan niệm của tôi là ngồi ghế công tố viên mà để bị đuối lý trước luật sư vì không cập nhật văn bản pháp luật mới, kiến thức nền và pháp luật còn yếu là dứt khoát không được. Cho nên phải tranh tụng là một chuyện còn tranh tụng cho có chất lượng, cho đúng nghĩa là việc khó và quan trọng hơn rất nhiều. Chúng tôi đang cố gắng để bản thân từng KSV nhận thức được điều này và tự giác có trách nhiệm với công việc của mình hơn, tự nâng tầm chính bản thân họ.

. Vậy với vai trò là phó viện trưởng, ông đang và sẽ làm gì để có được những phiên tòa tranh tụng thực sự?

+ Từ năm 2009 lãnh đạo VKS chúng tôi đã thực hiện mô hình tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp (trước kia gọi là phiên tòa mẫu - PV) theo lịch xoay tua hằng tháng giữa các đơn vị. Tôi trực tiếp phụ trách chương trình này, vừa trực tiếp đi dự, vừa tổng kết rút kinh nghiệm nên đánh giá rõ được hiệu quả của nó. Sắp tới, tôi sẽ trực tiếp soạn thảo và ban hành khung chế tài để áp dụng chung với các cá nhân vi phạm. Hiện nay mới chỉ là nhắc nhở rút kinh nghiệm chứ chưa có chế tài.

HOÀNG YẾN - THANH TÙNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm