Cởi trói về đầu tư xây dựng cơ bản: Phải sửa đến tám luật

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Chính phủ áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật, trình Quốc hội xem xét dự án sửa đổi, bổ sung 52 điều khoản thuộc tám luật (Xây dựng, Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Đất đai, Bảo vệ môi trường, Phòng cháy-chữa cháy) và Nghị quyết 66/2006/QH11. Dự luật này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận hôm qua (16-4).

Chính phủ đề nghị sửa Điều 43 Luật Xây dựng theo hướng cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư xây dựng, còn các tổ chức xã hội-nghề nghiệp công bố các định mức, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật, thông tin liên quan để chủ đầu tư tham khảo làm căn cứ xác định chi phí đầu tư. Chủ đầu tư được thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc lập, thẩm tra, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng, điều kiện cụ thể của công trình. Ủy ban Kinh tế băn khoăn lo ngại làm vậy sẽ phát sinh những rắc rối khi thanh tra, kiểm toán. Hơn nữa, việc đánh giá năng lực, uy tín của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp cũng còn là vấn đề.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Ngọc, những vấn đề gây bức xúc trong lĩnh vực đất đai như giá đất, xác định mức bồi thường... là rất lớn. Chẳng hạn doanh nghiệp trong nước chỉ được thuê đất trả tiền hàng năm trong khi doanh nghiệp nước ngoài còn được thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất. Nếu trả tiền thuê một lần thì doanh nghiệp được quyền thế chấp, cho thuê lại, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đơn giá cho thuê đất đối với trả tiền thuê đất một lần quá thấp so với tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trong nước, tạo sự bất bình đẳng. Chính phủ kiến nghị sửa Luật Đất đai theo hướng tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Về việc bồi thường khi thu hồi đất, Chính phủ đề xuất sửa theo hướng áp giá bồi thường tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường. Việc định giá đất “sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường” cũng được đề nghị sửa thành “phù hợp với giá đất thực tế tại địa phương”. Định kỳ công bố giá đất của UBND tỉnh thay vì một năm như hiện hành được đề nghị là năm năm một lần.

Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng chưa nên sửa Luật Đất đai. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng tình: “Đây là vấn đề quá lớn, sửa thời điểm này sợ là chưa chín”. Riêng vấn đề thống nhất cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất nêu trong nghị quyết của Quốc hội, nhiều nhà đầu tư đề nghị lần này cần sửa cả trong Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Ông Kiên nói: “Nghị quyết Quốc hội đã rõ, Luật Đất đai cũng không quy định là một giấy hay hai giấy. Chính phủ cần sớm triển khai chứ đừng chờ phải sửa luật này, luật nọ”.

Đa số ý kiến của UBTVQH cho rằng phạm vi Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung quá rộng, khó thông qua tại một kỳ họp Quốc hội. UBTVQH yêu cầu Chính phủ xem xét lại, chỉ trình sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc biệt bức xúc, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và doanh nghiệp.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm