Đánh thẳng vào tử huyệt của tham nhũng

Trao đổi với báo giới bên hành lang QH, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH Đỗ Văn Đương có nhiều ý kiến mạnh mẽ xung quanh nội dung này.

“Tham nhũng bây giờ có cả ở những lĩnh vực trước đây vắng bóng. Từ xây nhà tình nghĩa hay chính sách dành cho người có công… cũng bị “rút ruột”, không từ gì hết. Cứ hở chỗ nào có tiền là có người lợi dụng để đục khoét” - đại biểu Đỗ Văn Đương chỉ rõ.

Chỉ mới đánh mơn man bên ngoài

. Phóng viên: Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nhận định trong án tham nhũng, tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử dưới khung hình phạt cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn chiếm tỉ lệ cao, có nơi tới 100%. Theo ông, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong chống tham nhũng với thực tế đang diễn ra có mâu thuẫn không?

+ ĐB Đỗ Văn Đương: Có mâu thuẫn. Mâu thuẫn cả đường lối chính sách của Đảng và mâu thuẫn chính với quy định pháp luật. Pháp luật quy định “xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì cho hưởng án treo” nhưng dư luận bức xúc thế, Đảng và Nhà nước bức xúc thế mà anh lại cho hưởng án treo thì rõ ràng là mâu thuẫn.

Đánh thẳng vào tử huyệt của tham nhũng ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương phát biểu tại một phiên thảo luận tại tổ trong kỳ họp này. Ảnh: THU HẰNG

Chung quy lại là tổ chức thực thi của mình không nghiêm. Đường lối chính sách của Đảng rất đúng nhưng quá trình thực hiện rơi vãi dần dần, thậm chí biến thành con số không.

. Không chỉ xử nhẹ mà nhiều vụ việc còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, thưa ông?

+ Trong xử lý tham nhũng không loại trừ có sự bảo vệ, bao che, nương nhẹ. Nếu người ở trên nghiêm, cương quyết mang ra xử thì sẽ xử được. Thế nhưng trong nhiều vụ án tôi thấy chủ yếu xử lý người ở cuối dây như kế toán, thủ quỹ. Lẽ ra, những vụ ấy phải xử lý thủ trưởng, giám đốc hoặc chủ tịch ủy ban mới đúng vì họ mới là người quyết định sự việc.

Việc xử cho xong như thời gian qua là không đáp ứng được yêu cầu. Tôi đã nhiều lần nói thẳng rằng đánh tham nhũng hiện giờ mới chỉ đánh mơn man bên ngoài. Theo tôi, đánh tham nhũng phải đánh thẳng vào những người có chức cao, quyền cao, người chủ mưu cầm đầu thì mới hiệu quả. Còn cao đến đâu, ông nào dính ông ấy chịu, mình không kết luận được.

Một vụ án lớn có thể bằng hàng ngàn vụ tham ô nhỏ. Tới đây phải tập trung đánh vào những vụ án lớn như thế, đánh tham nhũng ở các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, đánh vào những dự án lớn, những dự án đầu tư công… Đấy chính là những nơi tiêu xài tiền của nhà nước nhiều nhất, phung phí nhất.

. Nhưng để làm được điều ông vừa nêu hoàn toàn không dễ…

+ Đúng thế, vướng rất nhiều, đụng chạm rất nhiều.

Không phải ai cũng mạnh dạn nói tới tham nhũng bởi bản thân ông cũng đầy rẫy những khuyết điểm, cũng có những nhập nhằng trong tiền bạc, cũng có thể có chuyện lợi dụng chức quyền. Nếu ông nói ra, người ta sẽ tìm cách móc ra, “đâm” cho ông một trận.

Người chống tham nhũng phải có bản lĩnh nhưng ở đây tôi muốn nói, mình là đại biểu QH thì cố gắng nói tiếng nói của cử tri. Cử tri họ biết hết. Tôi cho rằng nếu chống tham nhũng tốt thì cũng chẳng phải vay nợ nhiều. Cử tri nói rằng nếu chống tham nhũng tốt thì đất nước ta “thay da đổi thịt” rất nhiều. Bây giờ cứ vay nhiều sau đó tham nhũng cho lắm rồi cũng “ăn” hết.

Có chuyện bán hình phạt

. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng từng đặt câu hỏi: Liệu có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng hay không? Là người từng nhiều năm công tác trong ngành kiểm sát, ông sẽ trả lời câu hỏi này thế nào?

+ Bây giờ đặt ra vấn đề có chuyện bán hình phạt hay không? Có vấn đề lợi dụng quyền lực tư pháp Nhà nước để tham nhũng hay không? Có chứ. Tôi giao cho anh quyền lực tư pháp thực thi công lý, anh lợi dụng bán đi để lấy tiền mới thành ra thế. Chỗ nào có nhiều quyền lực thì dễ bán. Như thế rất nguy hiểm vì người dân sẽ không còn tin vào pháp luật, không tin vào đường lối chính sách của Đảng.

Phải khởi tố điều tra chính những anh đó vì đó mới là những người bao che tội phạm. Ở nhiều nước muốn chống tham nhũng trước hết người ta tấn công thẳng vào lực lượng chống tham nhũng. Họ điều tra chính cảnh sát, công tố, thẩm phán trước. Để làm được điều đó thì phải có cơ chế đặc biệt chống tham nhũng còn vẫn cứ cơ chế như hiện nay thì không làm được.

. Cụ thể thế nào, thưa ông?

+ Cụ thể là phải quy định có những cơ quan chống tham nhũng thực quyền, điều tra phải độc lập trực thuộc thẳng QH không vướng đến hành pháp. Cơ quan thanh tra phát hiện và xử lý phải độc lập, nên chăng đó là Thanh tra Nhà nước thay vì Thanh tra Chính phủ. Trong đó Chánh Thanh tra Nhà nước phải do QH bầu. Kiểm toán cũng phải độc lập và Tổng kiểm toán phải do Ủy ban Thường vụ QH giới thiệu, QH bầu.

Các cơ quan này vừa độc lập vừa thực quyền, dám làm và có trách nhiệm chứ cứ vướng víu thế này thì hô hào nhiều nhưng tình trạng tham nhũng không thay đổi là bao.

. Cử tri đã kiến nghị cần xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là 10 “đại án” như vụ Vinalines, vụ Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng NN&PTNT)... Ông có hiến kế gì để những vụ án này được giải quyết nhanh chóng?

+ Tham nhũng càng để lâu càng dễ hóa bùn. Nếu đưa vào tay tôi chỉ đạo, tôi sẽ làm được trong thời gian ngắn nhất. Hành vi rõ đến đâu tôi cho xử trước đến đó chứ không gom hầm bà lằng tất cả các hành vi lại rồi kéo dài đến vài năm không xong vì cứ bảo rằng nhiều hành vi, nhiều người. Cuối cùng chẳng cái gì kết thúc được cả.

Mà tôi cho rằng 10 “đại án” tham nhũng đó là còn ít, phải xem lại tất cả những vụ có dấu hiệu sai phạm lớn về kinh tế, thất thoát hàng trăm tỉ đồng cũng phải phục hồi để điều tra.

. Xin cảm ơn ông.

Giáo dục ý thức biết nhục khi tham nhũng

Ngoài các biện pháp mạnh từ kinh tế đến pháp luật để trừng trị tham nhũng không ngoại lệ bất cứ trường hợp nào thì cũng cần dùng đến sức mạnh của đạo đức. Trong đó, hạt nhân là luật đạo đức công chức, đạo đức công vụ, tạo thói quen người công chức bắt đầu cuộc đời công vụ của mình bằng một lời tuyên thệ trước luật pháp và nhân dân để không bao giờ chểnh mảng với đạo đức của mình trong khi thi hành công vụ.

Phải giáo dục liêm sỉ, lòng tự trọng và giáo dục ý thức biết nhục khi tham nhũng từ trong Đảng đến trong dân. Còn hiện nay, kẻ tham nhũng cứ nhơn nhơn với phương châm chỉ có tham nhũng mới làm giàu nhanh nhất, bỏ tiền mua chức rồi dùng chức kiếm lại tiền thu hồi vốn. Vô liêm sỉ đến như thế thì không còn gì để nói.

Về mặt quản lý, phải dùng biện pháp mạnh xóa bỏ ngay một thứ cơ chế vô hình là cơ chế xin-cho tồn tại dai dẳng mấy chục năm nay. Thực chất đó là mua bán.

GS HOÀNG CHÍ BẢO, chuyên gia cao cấp Hội đồng
Lý luận Trung ương

T. HẰNG

ĐỨC MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm