Đầu tư cho công nghệ cao: Nhập khẩu có khi rẻ hơn tự nghiên cứu

Xung quanh dự luật Đa dạng sinh học, GS Nguyễn Lân Dũng - một chuyên gia của giới vi sinh học phát hiện ban soạn thảo chưa hiểu rõ lắm về vi sinh vật nên mới “bắt” các bộ Nông nghiệp, Y tế, Công thương phải quản lý, điều tra, thống kê vi sinh vật. Giải thích một cách hình tượng, ông nói: “Cục đất 1 g chứa hàng trăm triệu chủng vi sinh, chả ai có thể thống kê, theo dõi được”.

Về quản lý sản phẩm biến đổi gien, GS Dũng cho rằng dự luật cần thể hiện quan điểm cởi mở hơn. “Chúng ta đang quá lúng túng. Bỏ ra hàng trăm triệu đô để nhập khẩu ngô, đậu tương biến đổi gien; trong nước sử dụng rất nhiều loại giống bông biến đổi gien nhưng lại không có quy định về ứng dụng công nghệ biến đổi gien. Tôi đề nghị mở ra hướng khai thác công nghệ này vào những nông sản không thuộc loại xuất khẩu”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - người nhiều năm lăn lộn ở Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh) chỉ ra dự luật không làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính quản lý các khu bảo tồn. Ông cũng phát hiện dự luật còn thiếu vắng quy định bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp. “Trong sản xuất nông nghiệp, các loài thiên địch là tối cần thiết. Chúng giúp duy trì đa dạng sinh học, tự kiểm soát dịch bệnh, giúp sản xuất xanh hơn, thân thiện với môi trường, bớt hóa chất, thuốc trừ sâu...”.

Nhiều năm tham gia quản lý công tác nghiên cứu ở trường đại học, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Luật Công nghệ cao nên thể hiện rõ chính sách của nhà nước: ưu tiên nghiên cứu hay ưu tiên ứng dụng. Lấy ví dụ về chuyện bảo tồn cây đa Tân Trào, ông kể các nhà sinh học được đầu tư khá nhiều để nghiên cứu lĩnh vực này nhưng chẳng làm gì được trong khi một doanh nghiệp ở Hà Nội lại sẵn lòng làm miễn phí và thực tế đã cứu được di tích lịch sử này. “Nghiên cứu công nghệ nói chung độ rủi ro rất lớn, về cả mặt kinh tế, chi phí lẫn thời gian, cơ hội. Vậy theo tôi, thay vì đầu tư cho đầu vào, nhà nước nên ưu tiên chi ngân sách mua công nghệ hoặc hỗ trợ, thưởng cho doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ cao và ứng dụng có hiệu quả”.

Ở khía cạnh khác, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị cần có cơ chế đánh giá chính xác thế nào là công nghệ cao, nếu không chính sách ưu đãi sẽ bị lợi dụng. Ông dẫn giải: cũng là công nghệ vi sinh nhưng 80 triệu USD ném cho dự án trồng sắn sản xuất rỉ đường ở Phú Thọ không thể coi là công nghệ cao. Ngược lại, nghiên cứu, ứng dụng để chưng cất từ rượu thủ công thành cồn công nghiệp tuyệt đối, tinh khiết thì giá trị kinh tế rất lớn mà chẳng cần đến 80 triệu USD.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm