Đoạn tuyệt “làm văn tập thể”

Trong một cuộc gặp, các nghị sĩ QH Mỹ đã hỏi thẳng ông: “Các ngài ban hành Luật Sở hữu trí tuệ để thực hiện hay là ra cho có đầu luật để hội nhập?”. Ông Yểu cười: “Chúng tôi làm luật này trước hết là bảo vệ các nhà khoa học Việt Nam. Chúng tôi đối xử với các nhà khoa học trong nước thế nào thì cũng đối xử với các nhà khoa học nước ngoài như vậy”.

Đã có một bước dài thay đổi cách thức soạn thảo luật nhằm thích ứng tiến độ hội nhập.

Nửa buổi chỉ sửa một dấu phẩy

Nguyên Phó Chủ tịch QH Mai Thúc Lân: Nhiều khi nửa buổi họp chỉ để thảo luận một dấu phẩy. Có <a href='https://plo.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/' title='ý kiến'>ý kiến</a> phê bình: tốn thời gian “làm văn tập thể”. Ông Mai Thúc Lân nhớ như in cái thời ông làm Phó Chủ tịch QH, phải điều khiển nhiều phiên thảo luận và thông qua luật đến mướt mồ hôi: “Khóa VIII, khóa IX có quy định là QH thảo luận và thông qua từng điều luật một rồi mới thông qua toàn văn. Có lần tôi điều hành kỳ họp thấy có những nhóm nội dung đại biểu không có ý kiến khác nhau và dễ thống nhất nên gộp ba, bốn điều thông qua một lần. Chị Lê Thị Nga (nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - PV) đứng lên nói rằng phó chủ tịch làm như thế là không đúng luật. Cuối cùng phải thông qua từng điều rất mất thì giờ. Như cái Luật Doanh nghiệp khi xưa tôi ngồi chủ tọa sáu ngày liền mới thông qua được”.

Ông Lân nhận xét: Do phải thảo luận để thông qua từng điều nên QH cân nhắc câu, từ rất kỹ, nhiều khi chỉ một từ mà thảo luận, tranh luận mất hàng giờ, thậm chí có trường hợp thảo luận một câu mất gần nửa buổi họp nhưng cuối cùng chỉ sửa một cái dấu phẩy! Chính vì thế nên cử tri nhiều nơi phê bình QH tốn quá nhiều thời gian “làm văn tập thể” tại hội trường.

Cách làm luật cũ tốn nhiều thời gian đã làm cho hoạt động lập pháp của QH diễn tiến rất chậm. Ông Nguyễn Văn Yểu nói: Với cách mà người ta gọi là “làm văn tập thể” ấy, mỗi kỳ họp thông thường QH chỉ ban hành được bốn, năm luật, cao lắm chỉ sáu luật. Mỗi năm làm chỉ khoảng 10 luật trở lại... Cuối năm 2001, ông Yểu điều khiển việc thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ. Khi ấy, tuy thủ tục đã được rút gọn, chỉ biểu quyết những chương, điều còn có ý kiến khác nhau nhưng QH vẫn mất ba ngày, nghe 165 lượt ý kiến mới có thể thông qua được đạo luật này.

Ra hội trường chỉ bấm nút?

Trong một lần trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An (khi ấy còn đương nhiệm) bộc bạch: “Khi mới sang làm Chủ tịch QH, tôi suy nghĩ rất nhiều về cách làm luật của QH. Mỗi kỳ họp cả tháng trời nhưng chỉ thông qua được ba, bốn luật. Nếu không thay đổi cách làm luật thì chí ít phải năm mươi năm nữa chúng ta mới cơ bản hoàn thiện được hệ thống pháp luật”.

Dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, cách thức làm luật đã thay đổi. QH chỉ bàn và thảo luận về những nội dung cơ bản, những vấn đề còn tranh cãi chứ không bàn về câu chữ. Những vấn đề về kỹ thuật lập pháp (câu chữ, ngữ nghĩa...) được giao cho các chuyên gia. Với cách làm mới này, số luật được thông qua tại một kỳ họp đã nâng lên gấp đôi trước đây. Từ kỳ họp thứ 5 QH khóa XI (tháng 5-2004), tình trạng “làm văn tập thể” đã được chấm dứt.

Tại buổi khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ QH khóa XI (tháng 12-2004), đa số ủy viên đều chưa hài lòng với quá trình làm luật. Các ý kiến đều đề nghị cần đổi mới cách thức xây dựng luật để đẩy nhanh tốc độ, đồng thời nâng cao chất lượng các dự thảo luật trình QH, các văn bản luật được thông qua... Ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH lúc ấy, đưa sáng kiến: “Các vấn đề đã thảo luận đi thảo luận lại tại tổ rồi, đến khi ra hội trường nhiều đại biểu lại nói lại y như đã nói ở tổ, rất mất thời gian. Chúng ta nên chia các luật ra thành các chuyên đề. Các đại biểu QH “thông thạo” chuyên đề nào thì tới đó thảo luận, thảo luận xong có thể sang chuyên đề khác thảo luận. Làm như vậy, các đại biểu có thể đóng góp ý kiến không chỉ một lần mà là ba, bốn lần, thậm chí có thể tranh luận lại. Khi ra hội trường đại biểu chỉ bấm nút thông qua một lần toàn bộ dự án luật”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán đồng: “Không nên hạn chế các đại biểu QH phát biểu tại hội trường vì có “cọ xát” mới ra vấn đề”. Mặc dù sáng kiến do ông Vũ Mão đưa ra chưa được “gút” nhưng rõ ràng đã có những nhu cầu nâng cao chất lượng xây dựng luật.

Năm 2005, kỷ lục lập pháp được xác lập với việc QH thông qua 29 đạo luật. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Yểu, tốc độ như vậy vẫn còn chậm. Trong vòng 13-15 năm tới, mỗi năm QH phải làm được 40-50 luật mới đảm bảo được nhu cầu hội nhập và phát triển.

“Mở cửa” lập pháp

Nguyên Phó Chủ tịch QH nguyễn văn yểu: Tốc độ làm luật còn chậm dù năm 2005 đã thông qua 29 đạo luật. Trong 15 năm tới, phải làm 50 luật/năm.Trong câu chuyện làm luật để hội nhập, QH đã làm thế nào, phải tăng tốc ra sao để Việt Nam kịp gia nhập WTO vào cuối năm 2006? Liệu lập pháp có phải trả giá để “mua vé” vào WTO không? Đó là những câu hỏi không ít người quan tâm sau khi cánh cửa nhiệm kỳ QH khóa XI khép lại.

Thực tế sinh động cho việc làm luật thời mở cửa thể hiện qua câu chuyện quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Khi QH làm Luật Chứng khoán đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các chuyên gia tổ chức quốc tế Star. “Cái gì mình kém, mình chưa có kinh nghiệm thì tội gì mình không học hỏi người ta. Người ta đi trước hàng trăm năm với cả thất bại và thành công... Mặt khác, người nước ngoài vào đây làm ăn chấp nhận luật pháp của ta, có nghĩa là người ta chấp nhận đường lối, thấy đường lối của ta là hoàn toàn “chơi được”” - ông Yểu giải thích.

Có lúc những người chủ trì công tác lập pháp đã phải khéo léo xử lý để vừa được lòng nước này mà nước khác không phản đối. Chẳng hạn khi QH làm Luật Đầu tư 2005, quan điểm của Mỹ và EU hoàn toàn khác nhau và cả hai bên đều quyết liệt gây sức ép với ta. Mỹ đề nghị là khi Luật Đầu tư mới có hiệu lực thì tất cả các dự án đã thực hiện cũng phải tuân thủ luật đầu tư mới. Thế nhưng EU, Nhật, Singapore không đồng tình, bảo rằng họ sang Việt Nam theo Luật Đầu tư cũ, bây giờ Việt Nam cắt hết ưu tiên thì không chấp nhận được. Cuối cùng, QH phải xử lý bằng cách tách riêng nội dung quy định ưu đãi đầu tư giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp. “Sau khi mình xử lý như vậy, không ai phản đối gì nữa. Đấy, làm luật thời hội nhập là thế, tôi không làm mếch lòng ông Mỹ, cũng không để EU quay lưng lại và không đánh mất mình” - ông Yểu mỉm cười.

Hội nghị đại biểu QH chuyên trách:

Nghị sĩ chuyên nghiệp hơn

Ngày 27-9-2005, lần đầu tiên một hội nghị đại biểu QH chuyên trách được tổ chức để bàn về dự toán ngân sách nhà nước. Hội nghị này được Ủy ban Thường vụ QH triệu tập giữa hai kỳ họp QH. Đây như là một “giải pháp tình thế” của hoạt động lập pháp thời hội nhập nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng các dự án luật trình QH.

Nguyên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu kể: “Hội nghị được chuẩn bị kỹ càng. Thông qua hội nghị này, tất cả những vấn đề được mổ xẻ, các loại ý kiến trái chiều đều được phát biểu đầy đủ. Cũng tại đây, tất cả các đại biểu khác quan tâm đều được mời đến tham gia. Các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng được mời đến để trình bày ý kiến của mình, mọi vấn đề đều được tranh luận một cách thoải mái. Đặc biệt, các thành viên Chính phủ nếu thấy cần phát biểu thì vẫn được mời đến. Chính nơi này, Thường vụ QH nghe hết, nghe kỹ để tìm hướng ra, phác thảo được phương án khả dĩ trình QH”.

LÊ KIÊN - KIẾN BA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm