QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI:

Hạn chế nhập cư trong 10 năm tới

“Bức tranh” dân số rõ hơn

Theo ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), sau khi báo cáo Thường trực Chính phủ lần thứ 3, tư vấn PPJ vẫn tiếp tục lấy ý kiến các hội nghề nghiệp để cập nhật, bổ sung vào Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Số liệu cân đối mới nhất cho thấy, quy mô dân số Hà Nội vào năm 2050 đã giảm tới 20% so với dự kiến trước đây.

Cụ thể, cập nhật mới nhất chỉ rõ, Hà Nội vào năm 2030 sẽ có dân số khoảng 9,1 triệu người, tới năm 2050 khoảng trên 10 triệu người. Dân số Hà Nội sẽ phát triển theo 3 giai đoạn. Ông Ngô Trung Hải giải thích: “Trước nay, Hà Nội vẫn là “cực hút” lớn. Thế nên, từ nay tới năm 2020, thành phố sẽ phải kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ dân nhập cư vào Hà Nội vì giai đoạn này hạ tầng còn rất thiếu thốn, không đủ sức phục vụ dân cư.

Trong 10 năm tới, ước tính, số dân nhập cư chỉ cho phép trong 25 vạn người”. Trong 10 năm tiếp theo (2020-2030), khi các đô thị vệ tinh đã tương đối hoàn chỉnh, Thủ đô đủ khả năng tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu dân nhập cư. Tuy thế, 20 năm tiếp đó (2030-2050), Hà Nội đi vào giai đoạn ổn định nên lượng người nhập cư phải giảm dần. “Tính ổn định lúc đó được đề cao, nếu tiếp tục tăng dân, Hà Nội sẽ trở thành siêu đô thị với những bất ổn rất khó kiểm soát” - ông Ngô Trung Hải nói.

Trả lời câu hỏi “Hà Nội có gì mới trong vài chục năm tới”, ông Ngô Trung Hải diễn giải: “Hành lang xanh chiếm tới 68% tổng diện tích là điểm nhấn quan trọng. Cùng với đó là trục Thăng Long, trục Cổ Loa, nơi hàng loạt các công trình kinh tế - văn hóa - lịch sử đặc biệt mới của Hà Nội”.

Giãn tải trung tâm: Không đơn giản

Về giãn tải cho khu trung tâm, đại diện Bộ Xây dựng phúc đáp: “Sau khoảng 10 năm nữa, khi hệ thống metro hoàn thành, các khu đô thị vệ tinh cũng kịp xong để đón khách. Cùng với đó, trường học, bệnh viện, công sở cũng được “kéo” giãn ra ngoài khiến áp lực trong nội thành tự nhiên giảm xuống”. Cũng theo ông Ngô Trung Hải, tư vấn đề nghị, Hà Nội chỉ nên cân nhắc làm 2 tuyến đường trên cao (vành đai 2, từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy và vành đai 3, từ Khu đô thị Nam Thăng Long tới cầu Thanh Trì), những khu vực còn lại chưa nên làm.

Vẫn băn khoăn với câu chuyện giãn tải cho đô thị lõi, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng, tư vấn phải làm rõ hơn xu hướng giãn dân ra không gian giữa vành đai 3 và 4. Ông Nguyễn Văn Hải đặt vấn đề: “Làm sao để các đô thị vệ tinh “sống” được chứ nếu người dân không có việc làm ở đó, vẫn vào nội thành làm việc và chỉ quay về  đô thị vệ tinh để ngủ thì ùn tắc không giải quyết được.

Thêm vào đó, tư vấn phải có phương án giải quyết được mâu thuẫn giữa dừng hút dân vào trung tâm với phát triển kết cấu hạ tầng. Giãn dân ra là đúng nhưng nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ lấy từ đâu?”. Cũng theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, tư vấn phải đưa ra được lời khuyên cho Hà Nội đối với bài toán giao thông. “Để hạn chế ùn tắc, Hà Nội phải dùng loại hình phương tiện nào? Nên đầu tư vào tuyến đường nào trước?” - ông Nguyễn Văn Hải nêu hàng loạt câu hỏi.

Cũng có mối quan tâm tương tự, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Trần Danh Lợi băn khoăn: “Tư vấn đưa ra mô hình giao thông xuyên tâm nhưng thực tế những đô thị lớn dùng mô hình này đã không thành công. Chẳng hạn, đường xuyên tâm ở Matxcơva giờ đã bị tắc nghẽn”.

Ông Trần Danh Lợi kiến nghị, nội thành Hà Nội nên áp dụng hệ thống đường ô bàn cờ. Cùng với đó, phải phát triển hệ thống metro ngầm mới tránh được nguy cơ ùn tắc. “Ở Matxcơva, giao thông ngầm “tải” khoảng 63% nhu cầu. Ở Hà Nội, con số đó phải chừng 30%. Nếu vẫn dùng xe buýt và giao thông trên mặt đất, không tài nào hết ùn tắc được” - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nói.

Rất quan tâm tới các đô thị vệ tinh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, không thể tạo ra các thành phố “ngủ” mà đô thị phải có tính cạnh tranh, có sức hút mới “kéo” được dân từ trung tâm ra. Trong khi đó, các khu đô thị hiện hữu cũng có giải pháp rõ hơn để tránh được “bệnh đầu to” đô thị chứ không thể để phát triển lộn xộn như hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu tư vấn tiếp tục làm rõ cơ sở khoa học xác định quy mô dân số. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, các sở, ngành tập trung cung cấp thông tin cho tư vấn vì hiện vẫn còn nhiều vấn đề chưa được cập nhật. “Chỉ khi có được hiện trạng sát thực thì mới có giải pháp thỏa đáng. Tư vấn cũng phải làm rõ hơn các mục tiêu của đồ án với tầm nhìn toàn diện, tổng thể, khoa học nhằm đảm bảo tính khả thi sau này” - ông Nguyễn Thế Thảo nói.             

Theo Chính Trung (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm