Hợp tác và tôn trọng nhau toàn diện(*)

Sau cuộc hội đàm rạng sáng 25-6 (giờ Việt Nam) giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ G.W. Bush, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung. Pháp Luật TP.HCM lược trích các nội dung chính của tuyên bố này.

Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại

Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị tích cực và đang phát triển, tôn trọng lẫn nhau và cùng cam kết hợp tác nhiều mặt mang tính xây dựng trên nhiều vấn đề để góp phần làm sâu rộng quan hệ vì lợi ích lâu dài của hai nước.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, ghi nhận thương mại hai chiều vượt 12 tỷ đôla năm 2007 và Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và tăng cường thương mại với Việt Nam.

Hai bên nhất trí rằng quan hệ kinh tế và thương mại là quan trọng đối với quan hệ song phương. Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ khởi động đàm phán Hiệp định Đầu tư song phương (BIT), thể hiện sự cam kết của hai bên về đối xử công bằng, không phân biệt, minh bạch đối với đầu tư nước ngoài. Tổng thống Bush khẳng định Hoa Kỳ đang xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam được tham gia chương trình Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP) và ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc công nhận Quy chế Kinh tế thị trường.

Tổng thống Bush tái khẳng định Hoa Kỳ phản đối việc hạn chế xuất khẩu lương thực trong lúc giá đang tăng. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các nước cùng nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu. Tổng thống Bush tái khẳng định cam kết Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp nhằm giữ hoặc tăng mức viện trợ và giải quyết các nguyên nhân sâu xa của việc giá lương thực tăng cao.

Mở rộng, tăng cường đối thoại

Hai nhà lãnh đạo trao đổi việc mở rộng và tăng cường đối thoại giữa các quan chức cấp cao của hai nước, ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị-quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận lợi ích của đối thoại thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề liên quan tới nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Tổng thống Bush và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về vai trò quan trọng của pháp quyền trong các xã hội hiện đại.

Hai nhà lãnh đạo hài lòng trước những thành công của người Hoa Kỳ gốc Việt và ghi nhận sự đóng góp của họ vào việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Bush tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tổng thống Bush cảm ơn sự hợp tác của Việt Nam trong nỗ lực nhân đạo của hai bên nhằm kiểm kê đầy đủ nhất những quân nhân Hoa Kỳ mất tích, ghi nhận rằng các đợt tìm kiếm chung đã giúp nhận dạng và hồi hương 629 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ. Tổng thống Bush khẳng định chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm thông tin về người mất tích của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.

Tổng thống Bush bày tỏ cam kết tiếp tục phát triển sự hợp tác về con nuôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em và phòng chống nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam chia sẻ các mục tiêu này và sẽ chuẩn bị để sớm tham gia Công ước La Hay về con nuôi. Thủ tướng cũng hoan nghênh sự hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ cho bước chuẩn bị này.

Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo thảo luận về sự hợp tác trong vấn đề khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Bush hoan nghênh việc khởi động dự án Mạng lưới nghiên cứu đồng bằng và quan trắc toàn cầu (DRAGON) tại Việt Nam. Theo đó, sẽ thành lập một viện nghiên cứu tại ĐH Cần Thơ nhằm hợp tác trong huấn luyện và nghiên cứu việc xây dựng các hệ sinh thái trong lành và phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long. Hai nhà lãnh đạo cũng thỏa thuận sẽ hợp tác để thúc đẩy các nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng thay đổi khí hậu.

Tối 25-6 (giờ Việt Nam), tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, bản ghi nhớ hợp tác giáo dục Việt-Mỹ đã được ký kết. Hai bên đồng ý thiết lập nhóm đặc trách hợp tác giáo dục. Tổ công tác này sẽ khuyến khích mối liên hệ và các chương trình hợp tác chung sâu rộng hơn giữa các trường đại học Việt Nam và Mỹ. Hai nước cũng thống nhất sẽ tăng số sinh viên Việt Nam học tập ở các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là nghiên cứu sinh tiến sĩ...

Cũng ngày 25-6, ông Dale E. Klein - Chủ tịch Ủy ban Quản lý hạt nhân Hoa Kỳ (USNRC) và ông Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân (VARANSAC) đã ký “Bản thỏa thuận về trao đổi thông tin kỹ thuật và hợp tác trong lĩnh vực an toàn hạt nhân”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm