Ngành y tế dễ xảy ra tham nhũng

Đó là thông điệp mà nhiều đại biểu quốc tế đưa ra trong thảo luận bàn tròn về chủ đề “Nhận thức về tham nhũng và ảnh hưởng của nó tới tình trạng đói nghèo ở Việt Nam” do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với các nhà tài trợ quốc tế tổ chức ngày 17-11 tại Hà Nội.

Theo báo cáo tham nhũng toàn cầu 2006 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), trong lĩnh vực y tế, ngay ở Mỹ - quốc gia tiêu tới 1.600 tỉ USD mỗi năm cho chăm sóc sức khỏe thì riêng hai chương trình y tế công lớn nhất, ước tính đã bị lạm chi 5%-10% ngân sách. Tại Campuchia, kết quả phỏng vấn các nhân viên y tế cho thấy hơn 5% ngân sách y tế bị thất thoát do tham nhũng.

Quan tâm đặc biệt của xã hội

Theo chuyên gia về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP, ông Jairo Acuna-Alfaro, phân tích các tờ báo gồm Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP.HCM và Vietnamnet thì thấy tham nhũng trong ngành y là mối quan tâm đặc biệt của xã hội. Hai năm qua, mỗi tờ báo đều có 20-50 bài phản ánh hiện tượng tham nhũng trong các cơ sở y tế.

Các bài báo cho thấy trong ngành y thể hiện dưới nhiều hình thức, từ nhập nhằng cấp phép tân dược, nâng giá thuốc, bác sĩ nhận hoa hồng của các hãng dược đến lập hồ sơ khống rút tiền bảo hiểm, móc nối với bác sĩ để khám bệnh lấy thuốc bán ra ngoài.

Ngoài ra, còn có việc lợi dụng chủ trương xã hội hóa, tư nhân đầu tư máy móc kỹ thuật cao đưa vào bệnh viện công khai thác kiếm lời, y, bác sĩ vòi vĩnh bệnh nhân hoặc điềm nhiên nhận “cảm ơn” của bệnh nhân mà không thấy vi phạm y đức...

Góp thêm ý kiến, TS Đặng Ngọc Dinh - người vừa tiến hành một dự án nâng cao vai trò của xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng kể, khi phỏng vấn người dân về hiện tượng tham nhũng, một phụ nữ làm nghề nông nói: “Đưa tiền cho bác sĩ từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung ương thành... văn hóa rồi. Mình mà không đưa có khi thành... vô văn hóa!”.

Dịch vụ đổi mới nhưng thiếu kiểm soát

Nguyên nhân của tham nhũng trong y tế thì cơ bản cũng giống như những lĩnh vực khác. Đó là đạo đức nghề nghiệp của y, bác sĩ, là lương không đủ nuôi sống...

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, còn có lý do tác động từ “làn gió thị trường”.

Một hệ thống y tế đa thành phần theo nguyên tắc thị trường được vận hành nhưng nhà nước lại thiếu hệ thống kiểm soát chất lượng chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, bản thân người bệnh lại luôn ở thế phụ thuộc, không có khả năng chọn lựa dịch vụ. Đây là vấn đề phải tính tới trong hoạch định chính sách y tế quốc gia trong thời gian tới.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm