HỌP BÁO QUÝ II CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ

PVN tìm lối thoát nạn đầu tư sai

Tại buổi họp báo quý II của Thanh tra Chính phủ ngày 12-7, Phó Tổng thanh tra Nguyễn Văn Sản cho biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có văn bản đồng gửi Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chín nội dung mà kết luận thanh tra kiến nghị. Trong đó, “nóng” nhất là khoản tiền 15.600 tỉ đồng mà trước đó thanh tra cho rằng PVN sử dụng sai mục đích.

PVN được hoàn trả 625 tỉ đồng chi sai

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, từ năm 2007 đến 2010, PVN được phép giữ lại số tiền lãi dầu khí phân chia giữa đối tác nước ngoài với Việt Nam, lên tới hơn 34.800 tỉ đồng. Số tiền này, Chính phủ quy định chỉ được đầu tư vào các dự án dầu khí trọng điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, PVN đã đầu tư tài chính 15.600 tỉ đồng vào một số dự án, mà theo kết luận tháng 4-2010 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí thì đều không thuộc dự án trọng điểm dầu khí.

Về vấn đề này, PVN giải thích: Trước cuộc thanh tra, PVN đã báo cáo nhưng Thủ tướng chưa có ý kiến. Đến 14-10-2011, Thủ tướng ra Quyết định 1786 ban hành tiêu chí xác định công trình dự án dầu khí được phép sử dụng tiền lãi dầu khí để lại tại PVN. Hồi tố theo văn bản này thì các dự án mà PVN đã “tiền trảm” đều phù hợp các tiêu chí đề ra.

PVN tìm lối thoát nạn đầu tư sai ảnh 1

Nhờ kết luận thanh tra, PVN đã đòi lại được 625 tỉ đồng đã đầu tư vào những công trình hạ tầng nằm ngoài hàng rào các dự án khí điện đạm Cà Mau, lọc dầu Dung Quất. Ảnh: CTV

Ngoài nội dung nêu trên, nhờ kết luận thanh tra, PVN đã đòi lại được 625 tỉ đồng đã chi sai. Đây là khoản tiền mà tập đoàn đã đầu tư vào những công trình hạ tầng nằm ngoài hàng rào các dự án khí điện đạm Cà Mau, lọc dầu Dung Quất... Theo quy định, lẽ ra thuộc trách nhiệm ngân sách các địa phương có dự án nhưng để thuận lợi cho công việc của mình, PVN đã tạm ứng làm trước nhiều năm, đến nay chưa đòi địa phương trả lại được. Nay Thanh tra Chính phủ kết luận là chi sai, PVN “kêu” với Thủ tướng và kết quả, Bộ Tài chính được chỉ đạo đã hướng dẫn cho lấy ngân sách trung ương 2012 hỗ trợ cho các tỉnh để hoàn trả PVN.

Sai phạm trong liên kết đào tạo: Chưa ngã ngũ

Một điểm nóng khác là kiến nghị của Thanh tra Chính phủ không công nhận hơn 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ thuộc một số chương trình liên kết đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội. Phó Tổng thanh tra Nguyễn Văn Sản cho biết sau khi có kết luận thanh tra về liên doanh, liên kết đào tạo ĐH, sau ĐH và trách nhiệm quản lý nhà nước, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có ý kiến giải trình. Do quan điểm khác nhau về áp dụng pháp luật giữa Thanh tra Chính phủ và ĐH Quốc gia, đôi bên đã đưa ra họp với sự có mặt của hai Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân.

Cuộc họp chưa đưa ra được kết luận cuối cùng và theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thanh tra Chính phủ cùng ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ còn phải làm việc với các bộ, ngành liên quan để thảo luận thêm về các vấn đề được nêu trong cuộc thanh tra này.

Luật PCTN sẽ mở rộng phạm vi kê khai tài sản

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong quý III, Thanh tra Chính phủ sẽ khẩn trương tham mưu cho Chính phủ trình QH sửa Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Cho đến nay, được giao chủ trì dự thảo, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất dự thảo và tờ trình gửi Chính phủ cho ý kiến tuần tới. Theo dự kiến, Luật PCTN sẽ được sửa đổi, bổ sung, làm rõ và mở rộng thêm các lĩnh vực phải công khai, minh bạch. Quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Vấn đề kê khai tài sản cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi kê khai sang cả thu nhập (hiện là kê khai tài sản); mở rộng phạm vi công khai, quy định rõ hơn hình thức công khai bản kê khai tài sản. Đáng chú ý, vấn đề xử lý tài sản tăng thêm bất thường mà không được giải trình hợp lý - một kiến nghị của Công ước LHQ về chống tham nhũng - cũng sẽ được xem xét đưa vào luật sửa đổi.

Một số chủ trương đã được đề ra trong Hội nghị Trung ương 5 vừa qua cũng sẽ được luật hóa như thay đổi mô hình Ban Chỉ đạo PCTN, quy định thêm trách nhiệm của DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong PCTN, quy định về quyền hạn, nghĩa vụ của cơ quan báo chí khi đưa tin về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cho điều tra, giải quyết án tham nhũng...

Dự kiến sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, dự thảo Luật PCTN sửa đổi sẽ được công khai trên Internet để nhân dân tham gia, góp ý.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm