Quốc hội phải thật sự đại diện cho nhân dân

Bởi lẽ theo ông, việc hiện nay đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng thời lại là công chức chứa đựng nhiều bất hợp lý. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Pháp Luật TP.HCMxin trân trọng giới thiệu.

Tôi xin góp ý phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, trong đó có ba bộ phận hợp thành là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cụ thể, tôi đề nghị Đại hội Đảng lần thứ XI chủ trương quyết sách sửa đổi Hiến pháp 1992 để chúng ta có một bản hiến pháp thể hiện rõ tinh thần dân chủ.

Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Hiến pháp cũng quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”. Thế nhưng thực tế, trong số gần 500 ĐBQH khóa XII, có đến hơn 70% đại biểu là cán bộ, công chức - những người đang làm việc và nắm giữ trọng trách trong các cơ quan công quyền, là những công bộc của nhân dân.

Quốc hội phải thật sự đại diện cho nhân dân ảnh 1

Trên thực tế có đến 70% đại biểu Quốc hội là công chức.Trong ảnh: Một buổi họp Quốc hội khóa XII năm 2010. Ảnh: TTXVN

Rất không hợp lý khi vừa là ĐBQH vừa là công chức. Cùng lúc đảm nhiệm hai vai như vậy thì làm sao mà kiểm tra, giám sát bộ máy công chức của mình? Đơn cử như vấn đề tham nhũng, vai trò giám sát của Quốc hội hiện nay đối với vấn đề này có thể nói là thiếu hiệu quả. Chưa kể, đang trong vai công chức thì luật pháp anh xây dựng rất dễ theo xu hướng là phục vụ cho anh, cho công việc của anh.

Ở nước ta, 2/3 ĐBQH là công chức, quan chức. Trong khi đó, nguyên tắc hành chính là công chức chỉ có trong bộ máy hành pháp mà thôi. Nhiệm vụ cơ bản của cơ quan hành pháp là để quản lý tài sản quốc gia, phục vụ lợi ích nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự chứ không phải để đại diện cho dân.

Mặt khác, là những công chức kiêm nhiệm ĐBQH nên không nhiệm vụ nào hoàn thành đúng mực bởi nếu lo công tác này thì bỏ công tác kia. Thời gian họp Quốc hội thì phải tạm gác lại công việc hành chính và có khi không thể gác lại việc hành chính thì lại bỏ họp quốc hội (tình trạng ĐBQH vắng họp đã từng được báo động). Khi làm hành chính thì không thể tập trung nghiên cứu xây dựng luật pháp, giám sát kiểm tra bộ máy hành chính. Có thể nói hoạt động của Đoàn ĐBQH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng cán bộ, công chức hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều bất cập mà còn bao biện cả việc Quốc hội thì sao có chất lượng?

Chính vì vậy cần phải sửa đổi hiến pháp theo hướng Quốc hội phải thật sự là cơ quan quyền lực của nhân dân, thể hiện rõ nhất qua các đại biểu dân cử. Cụ thể, ĐBQH phải thật sự là những công dân, không được tham gia bất cứ chức vụ nào trong cơ quan hành pháp, không được đóng vai vừa là đại biểu vừa là công chức, quan chức. Nhiều cán bộ hưu trí, doanh nhân, các nhà nghiên cứu, luật sư… có trình độ và phẩm chất rất xứng đáng làm ĐBQH. 

Cùng đó là quyền lợi và nghĩa vụ phải tương xứng. ĐBQH phải được trả lương và các điều kiện làm việc ngang bằng với các bộ trưởng để các ĐBQH thuê chuyên viên giúp việc và lập văn phòng cá nhân. Chứ như hiện nay, ĐBQH không có lương, chỉ có phụ cấp thì khó mà đòi hỏi chất lượng làm việc của các ĐBQH phải chuyên nghiệp.

VÕ VĂN THÔN (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm