Siết điều kiện nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn

Đầu tuần tới, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2010, Bộ Công an sẽ trình xin ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú.

Không xử lý được người trục lợi

Tờ trình Chính phủ do Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, ký đã đánh giá: Sau hơn hai năm thực hiện, Nghị định 107 đã bộc lộ những “khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập” cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú.

Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công an nêu rõ Nghị định 107 chưa có quy định nghiêm cấm hành vi cho người khác đăng ký vào nơi cư trú của mình để trục lợi. Hệ quả là khi cơ quan chức năng phát hiện một số trường hợp lợi dụng để vụ lợi thì không xử lý được vì chưa có cơ sở pháp lý.

Siết điều kiện nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn ảnh 1

Tới đây, điều kiện nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn sẽ được xem xét kỹ hơn. Ảnh: HTD

Mặt khác, Điều 4 Nghị định 107 quy định nơi cư trú của công dân (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú) là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân, hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Quy định này chưa cụ thể về tiêu chí để được coi là “thường xuyên sinh sống” và không hạn chế số người được đăng ký thường trú vào một nhà. Thực tế ở Hà Nội và TP.HCM đã có tình trạng lợi dụng quy định cho nhiều hộ, nhiều người cùng đăng ký vào một chỗ ở.

Chỗ ở phải từ 5 m2 trở lên

Theo Bộ Công an, lần sửa đổi, bổ sung này dự kiến tập trung vào bốn điều: Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 7 của Nghị định 107.

Về nơi cư trú của công dân, dự thảo nghị định bổ sung thêm quy định “mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”. Trước đó, Nghị định 107 chỉ quy định: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”.

Về chỗ ở hợp pháp, dự thảo nghị định quy định đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5 m2/người.

Ông Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết có một số ý kiến đề nghị không nên quy định hạn mức diện tích tối thiểu đối với chỗ ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ làm điều kiện để đăng ký thường trú. Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn bảo lưu ý kiến vì quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 53 Luật Nhà ở và Điều 25 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Đối với giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, dự thảo nghị định yêu cầu hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ; nếu nhập hộ khẩu thường trú chung vào sổ hộ khẩu của chủ hộ thì phải ghi rõ số nhân khẩu và diện tích sử dụng của nhà ở. Hợp đồng phải được công chứng hoặc xác nhận của UBND cấp xã.

Dự thảo cũng siết chặt hơn điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, công dân muốn có hộ khẩu tại các thành phố này phải đáp ứng đủ hai điều kiện. Thứ nhất, phải tạm trú liên tục tại một chỗ ở tại thành phố trực thuộc trung ương mà thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó từ một năm trở lên. Thứ hai, nơi đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Như vậy, dự thảo nghị định đã bỏ quy định trường hợp được coi là tạm trú liên tục từ một năm trở lên bao gồm cả trường hợp tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau tại thành phố trực thuộc trung ương mà thời hạn tạm trú tại tất cả chỗ ở đó từ một năm trở lên.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm