Tạo phấn khởi, dân chủ để dân đi bầu

Sáng 27-3, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Tiểu ban Tuyên truyền của Ủy ban Bầu cử TP đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy lưu ý, việc tuyên truyền cần phải đảm bảo cho người dân nắm được ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của cuộc bầu cử; các vấn đề chủ yếu của luật pháp quy định về bầu cử; nắm được quyền công dân trong ứng cử và bầu cử; vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND; thể thức bầu cử và tạo điều kiện để người dân tham gia thảo luận về tiêu chuẩn để chọn ra người đại biểu nhân dân xứng đáng đại diện cho mình. Trong quá trình tuyên truyền phải bám thật sát vào luật định, không được suy diễn, võ đoán.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao tạo ra không khí phấn khởi, dân chủ cho người dân đi bầu cử. Nhất là trong bối cảnh người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn của đời sống hiện nay, để đạt được yêu cầu đó, song song với việc tuyên truyền để người dân thấy được nhiệm vụ chính trị của mình trong bầu cử, thì cần phải nắm thật sâu, thật chắc tâm tư, nguyện vọng, bức xúc trong dân để giải quyết. Cùng với đó, các cấp phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trên cơ sở hệ thống giải pháp của Chính phủ, chính quyền TP nhằm hỗ trợ cho đời sống người dân đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội góp phần vào thành công của cuộc bầu cử sắp tới. “Không nên tuyên truyền suông mà cần phải khơi dậy nguồn sức mạnh trong toàn bộ đời sống xã hội để hoàn thành nhiệm vụ chính trị này” - bà nhấn mạnh.

Tạo phấn khởi, dân chủ để dân đi bầu ảnh 1

Những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội sẽ góp phần vào sự thành công cho cuộc bầu cử sắp tới. Trong ảnh: Mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: HTD

Kế hoạch tuyên truyền cụ thể như sau: Từ nay đến ngày 15-4 tập trung tuyên truyền các chủ trương, luật định về bầu cử. Từ ngày 16-4 đến ngày bầu cử 22-5 tập trung tuyên truyền tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, HĐND, quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, của cử tri; tập trung nhất là cổ động cho ngày cử tri đi bỏ phiếu. Từ sau bầu cử đến ngày 10-6 tuyên truyền kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016…

 Sáng cùng ngày, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ đã chủ trì Hội nghị giao ban tình hình triển khai thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 của 11 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Qua hai lần hiệp thương, hầu hết các địa phương đều quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tăng tỉ  lệ đại biểu trí thức trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và giảm tỉ  lệ đại biểu trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương và các địa phương đã nhất trí thỏa thuận danh sách sơ bộ 1.088 người ứng cử đại biểu Quốc hội, đạt tỉ lệ 2,1 lần so với số đại biểu được bầu. Trong đó, đại biểu tái cử (chưa tính số trung ương giới thiệu) là 94 người (chiếm 10,3%), ứng viên là người ngoài Đảng có 191 người (chiếm 21,1%). Cả nước có 76 người tự ứng cử, chiếm 8,3% số ứng viên.

Theo thống kê, có 7/11 tỉnh, thành khu vực phía Nam có người tự ứng cử, với tổng số 69 người. Trong đó, 29 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, 31 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, hai người tự ứng cử cấp huyện và bảy người tự ứng cử cấp xã. TP.HCM có số người tự ứng cử cao nhất khu vực với 22 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và 21 người tự ứng cử đại biểu HĐND TP. Ba tỉnh khác có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội là Đồng Nai bốn người, Long An hai người và Tiền Giang một người.

M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm