NHỮNG ĐỘNG THÁI CỦA TRUNG QUỐC TẠI BIỂN ĐÔNG

Từ “gác tranh chấp, cùng khai thác” đến COC

Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cho hay trọng tâm cuộc họp vào ngày 24 và 25-4 tới là nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử biển Đông COC. Trong một động thái khác liên quan, khoảng một năm trở lại đây, phía Trung Quốc cũng đã đánh tiếng các bên nên tiếp tục chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

“Gác tranh chấp, cùng khai thác” kiểu Trung Quốc

Được nêu ra lần đầu tiên năm 1982 tại Tokyo, chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình được Trung Quốc đưa ra với mục tiêu cùng hợp tác khai thác chung tại vùng biển Đông. Gắn với quan điểm này, Đặng Tiểu Bình còn nhấn mạnh rằng các quốc gia liên quan nên “cùng khai thác vùng tranh chấp trước khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”. Mặc dù đề xuất này có vẻ phù hợp với luật pháp quốc tế và xu hướng giải quyết các tranh chấp trên các vùng biển nhưng hàm ý sâu xa của đề nghị này lại không hề đơn giản. Thông qua chính sách trên, trước tiên Trung Quốc muốn trấn an dư luận và mang lại một hình ảnh tích cực về một nước lớn tuân thủ luật quốc tế.

Sau nữa, đây chính là cách Trung Quốc có thể duy trì được yêu sách lãnh thổ tại vùng biển không phải của mình - hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, chiếm hơn 80% biển Đông. Thực chất, tư tưởng hoàn chỉnh của Đặng Tiểu Bình đối với biển Đông chính là “chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Cụ thể, Trung Quốc cho rằng chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” không tính đến tranh chấp quần đảo Hoàng Sa (nơi Trung Quốc đang chiếm đóng). Như vậy, danh nghĩa là các quốc gia khác cũng có thể tham gia vào việc khai thác song kỳ thực đây là cách Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” tại biển Đông.

Từ “gác tranh chấp, cùng khai thác” đến COC ảnh 1

Ngày 22-1, ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario đã đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Quốc tế để phân xử các vấn đề quanh bãi cạn Scarborough. Trong ảnh: Đoàn tàu của Trung Quốc đang rời bãi cạn Scarborough.

Cây kim trong bọc…

tình hình căng thẳng biển Đông từ năm 2009 đã cho thấy rằng “gác tranh chấp” là không khả thi vì Trung Quốc có chồng lấn khá nhiều ở các vùng tranh chấp tiếp giáp vùng đặc quyền kinh tế (EEZs) của Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng lộ rõ mưu đồ độc chiếm biển Đông. Các ví dụ điển hình là việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hay công ty khai thác dầu khí xa bờ Trung Quốc (CNOOC) mời thầu chín lô dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và chồng lấn với các lô dầu khí của PetroVietnam vào tháng 5 và 6-2012 cho đến việc Trung Quốc chiếm đóng bãi Scarborough của Philippines tháng 10-2012, đưa ra hộ chiếu đường lưỡi bò tháng 11-2012... Cùng với việc gia tăng các hoạt động can thiệp thực chất tại biển Đông Trung Quốc đã đẩy làn sóng ngờ vực và tâm lý phòng ngừa của các nước ASEAN lên cao.

Thực tế cho thấy những đề nghị khai thác chung của Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc là chính. Đây là cách Trung Quốc “giảm nhiệt” tại biển Đông trong khi vẫn duy trì những tuyên bố và hành động cứng rắn của mình. Việc “gác tranh chấp, cùng khai thác” mang đậm “màu sắc Trung Quốc” được thực hiện trong “chiến lược tạo việc đã rồi” nhằm chiếm đoạt dần vùng yêu sách dưới danh nghĩa gác tranh chấp.

COC: Bình cũ rượu mới?

Có thể nói: lời đề nghị lần này của Trung Quốc bị nhiều nhà quan sát nghi ngờ là “kế hoãn binh” khi Trung quốc đang ngày càng vấp phải nhiều sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Vào ngày 22-1, ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario đã đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Quốc tế để phân xử các vấn đề quanh bãi cạn Scarborough và yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông. “Con giun xéo lắm cũng quằn” là cách mà Manila đang đánh động đối với Trung Quốc và tạo động lực cho các nước ASEAN vốn đã chịu sức ép quá lớn từ người láng giềng khổng lồ. Khi chiêu bài “song phương” ngày càng mất dần tác dụng, chuỗi chiến lược “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Trung Quốc đã liên tục dẫn dụ các quốc gia ASEAN trong hơn 30 năm qua đang đứng trước hồi kết thì đàm phán COC là giải pháp tình thế mà Trung Quốc lựa chọn.

HUỲNH TÂM SÁNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm