“Vẫn một mâm cơm, năm bộ quản lý!”

“Vẫn một mâm cơm, năm bộ quản lý!” ảnh 1

Mặc dù có nhiều bộ quản lý nhưng rau củ, thực phẩm thiếu an toàn vẫn ung dung trên lề đường như thế này. Ảnh: HTD

Rau, quả nhiễm độc thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản; thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ... là những câu chuyện cũ được xới lên tại phiên họp tổ góp ý cho dự án Luật An toàn thực phẩm chiều 23-11.

Lo nhất là đạo đức kinh doanh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận kể trước đây ông rất thích ăn rau ngải cứu nhưng từ hồi nghe chuyện người ta toàn lấy... nước cống để tưới rau, ông đâm ra sợ! “Lo nhất của chúng ta hiện nay là đạo đức kinh doanh. Dân sản xuất rau thì phun thuốc sâu vào cho cây chóng tốt, đẹp mã để đi bán, còn rau nhà mình ăn thì trồng ruộng khác” - ông Thuận nói.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thì giãi bày: “Tôi chỉ mong sống đến đầu bảy là... mừng lắm rồi. Các cụ ngày xưa ăn toàn rau, sắn nhưng đều là thực phẩm sạch. Còn giờ bữa nào cũng thịt, cá... mà vừa ăn vừa lo”.

Ông Hùng cũng nhắc lại chuyện kinh hoàng ở Thái Nguyên: Hàng trăm người ăn bánh dầy tại một đám cưới bị ngộ độc chỉ vì người nhào bột có mụn mưng mủ ở tay nhưng khi nhào bột lại không đeo găng!

Câu chuyện thời sự mà báo chí nêu về công nghệ chế biến hành phi bằng dầu phế thải, hành được độn thêm đủ loại tạp chất để hạ giá thành cũng được đại biểu dẫn làm ví dụ. Hay như chuyện nhập hàng gần hết hạn sử dụng, bị kiểm tra phát hiện thì khai báo nhập về làm thức ăn gia súc. “Ai dám chắc liệu chúng có trở thành thức ăn cho người?” - một đại biểu hỏi.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, chế tài xử phạt trong lĩnh vực này hiện “nhẹ hều”! Ông dẫn chứng, thanh-kiểm tra ở Thái Nguyên vừa qua, tính trung bình, mỗi vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bị phạt khoảng 150.000 đồng!

Trách nhiệm quản lý: Vẫn tù mù

“Tôi nghĩ mãi, luật này đúng là rất cần nhưng ban hành ra rồi thì tình hình liệu có khác bây giờ không?” - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) băn khoăn. Tổng bí thư cho rằng những quy định về quản lý nhà nước trong dự luật thể hiện sự lúng túng.

Theo dự luật, bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân. Các bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo sự phân công của Chính phủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình theo các quy định của pháp luật...

Ông Nguyễn Văn Thuận nhận xét toàn bộ chương “Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm” rất chung chung và tù mù. “Quy định không rõ ràng như thế này thì không biết “nắm” ai cả. Cần nêu rõ: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm những việc gì, chịu trách nhiệm ra sao...” - ông Thuận nói.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6, các đại biểu đã “phê” tình trạng “một con gà, một mâm cơm của người dân tới năm bộ quản lý” nhưng người dân vẫn phải hằng ngày ăn thực phẩm không an toàn. Cũng chính vì nhiều chủ thể quản lý, lại không rõ trách nhiệm, không có nhạc trưởng nên dẫn tới tình trạng cha chung không ai khóc.

Lập ủy ban điều phối?

Ủng hộ quan điểm của dự luật là giao Bộ Y tế giúp Chính phủ quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Quang Bình nói: “Với các lĩnh vực phải liên kết hành động như hiện nay, chúng ta thường thành lập một cơ quan điều phối, như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chẳng hạn. Không rõ lĩnh vực an toàn thực phẩm thì thế nào? Tôi nhớ có lần bộ trưởng Bộ Y tế nói Ủy ban An toàn thực phẩm họp, danh sách toàn là thứ trưởng nhưng nhìn xuống dưới chỉ toàn là vụ phó và chuyên viên” - ông Bình lo ngại.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng hiến kế: Cần khuyến khích việc thành lập ra các hiệp hội, chẳng hạn như hiệp hội giò chả..., để họ tự giám sát lẫn nhau, từ đó nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất.

Nghe vậy, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lập tức phản đối đề xuất này: “Đồng chí đừng đề xuất thành lập hiệp hội. Hiệp hội của ta khi thành lập là lại xin tiền của nhà nước mà tiền của nhà nước cũng là tiền của dân”. Đại biểu Hùng vẫn bảo vệ đề xuất của mình, ông giải thích đây hoàn toàn là những hiệp hội “xã hội hóa”.

Dự luật quá chung chung

“Dự luật còn nhiều quy định thiếu tính khả thi. Chẳng hạn như quy định thực phẩm qua chế biến phải đăng ký hợp quy, có bao bì gói sẵn. Thực tế nhiều sản phẩm của bà con nông dân làm gì có bao bì để gói. Nếu cơ quan quản lý mà bắt, khổ dân!

Ngoài ra, quy định bắt buộc phải bày bán sản phẩm cao hơn mặt đất cũng quá chung chung. Người ta bày trên mặt báo cũng là cao hơn mặt đất rồi.”

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội)

ĐỨC MINH - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm