Đại biểu không yên tâm về giải trình của bộ trưởng Y tế

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã tỏ ra lo lắng, không yên tâm sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về một số vấn đề về khám chữa bệnh và bảo hiểm chiều 1-11.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình tại Quốc hội chiều 1-11. Ảnh: ĐỨC MINH

Trước đó, trong 10 phút được dành cho giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận thanh toán khám chữa bệnh do BHYT chi trả là vấn đề nhiều địa phương bức xúc do chậm thanh toán, treo một số lượng lớn, có địa phương lên tới 1.000 tỉ đồng.

“Vừa qua, chúng ta đạt tỉ lệ bảo hiểm y tế (BHYT) trên 82% (vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao), đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế (tính cả lương, chi phí) làm cho người dân giảm bớt chi phí tiền túi do được BHYT chi trả” - Bộ trưởng Y tế nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, khi giá dịch vụ tăng thì chi phí khám chữa bệnh tăng, có tỉnh bội chi cả nghìn tỉ đồng. Về quỹ bảo hiểm xã hội, đến đầu năm 2016, quỹ kết dư của bảo hiểm xã hội BHXH là 47.000 tỉ đồng.

“Kết dư nhiều như vậy có cái tốt và không tốt. Không tốt vì đây là quỹ ngắn hạn, người dân đóng và họ phải được hưởng hết hằng năm, trừ khi có dự phòng. Kết dư nhiều như vậy có nghĩa là người dân chưa được sử dụng các dịch vụ tốt, nhất là vùng sâu, vùng xa (tỉ lệ kết dư lớn), chưa được hưởng dịch vụ, kỹ thuật cao, chưa có ý thức khám chữa bệnh. Kết dư lớn thể hiện nền y tế không công bằng, chưa chăm sóc người dân” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nói có “cái may” là “năm 2016 ta điều chỉnh giá dịch vụ về gần giá trị thực”. “Năm nay chi sẽ vượt quá lên 10 nghìn tỉ đồng thì đã có nguồn kết dư đó. Dự kiến nguồn kết dư đó chúng ta cũng chỉ sử dụng được ba năm nữa, với giá duy trì như hiện nay. Không phải vỡ quỹ ngay nhưng nguy cơ vỡ quỹ là như vậy!” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Kết luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Bộ Y tế thống nhất với bên BHXH là không dùng từ “lạm dụng” mà là sử dụng các dịch vụ quá mức và không hợp lý. Giải pháp giải quyết vấn đề trục lợi là sẽ khoán trần chi phí; kiểm tra, thanh tra định kỳ và xử lý nghiêm”.

Sau giờ nghỉ giải lao, ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu và nói: “Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình nhưng tôi không yên tâm. Cử tri thì rất bức xúc và bất lực khi hai ngành y tế và BHXH đôi co nhau, không biết bên nào đúng, bên nào sai”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói cử tri bất lực, bức xúc vì y tế và bảo hiểm... đôi co. Ảnh: ĐỨC MINH

Theo ĐB Cầu, cuộc chiến văn bản giữa hai ngành không có hồi kết. “Đơn cử là tháng 4 và tháng 8-2017, Bộ Y tế ban hành hai công văn thì chỉ sau hai tuần, BHXH Việt Nam cũng ban hành hai công văn không đồng ý với hai công văn của Bộ Y tế.

Hội họp rất nhiều, kể cả trung ương và địa phương, nhưng không thống nhất được. Hệ quả là các cơ sở khám chữa bệnh bị treo kinh phí, không có tiền trả nợ cho các đơn vị cung ứng thuốc và vật tư. "Nhiều cơ sở khám chữa bệnh phản ánh rằng họ phải cử bác sĩ giỏi để làm hồ sơ cho bảo hiểm tất toán, không có thời gian khám chữa bệnh cho người dân. Mỗi lần giám định viên BHYT giám định không khác gì một cuộc thanh tra, gây lãng phí về thời gian, tiền của cho các cơ sở khám chữa bệnh” - ĐB Cầu phân tích.

Theo ĐB Cầu, người thiệt thòi nhất trong “cuộc chiến” này là người bệnh. “Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ Y tế nhanh chóng khắc phục các xung đột nêu trên, xây dựng đầy đủ hơn hành lang pháp lý trong vấn đề khám chữa bệnh theo mô hình BHYT, bảo đảm quyền lợi cả ba bên, trong đó có quyền lợi của người dân phải được ưu tiên hàng đầu” - ĐB Cầu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm