Chiều 9-5, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND TP Cần Thơ về tình hình ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn.
Đoàn công tác do ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, làm trưởng đoàn.
Ông Trần Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ chiều 9-5. Ảnh: CTV
Thay mặt đoàn công tác, ông Minh đánh giá cao nỗ lực của Cần Thơ trong xử lý rác thải sinh hoạt trong điều kiện công nghệ xử lý rác thải còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Minh, đoàn đã khảo sát ba khu xử lý rác thải rắn tại các quận, huyện: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ. Qua khảo sát, đoàn nhận thấy ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý chất thải rắn trong cộng đồng chưa cao, đặc biệt là các doanh nghiệp xử lý chất thải rắn còn né tránh, đối phó với các cơ quan chức năng bảo vệ môi trường. Từ đó dẫn đến tình trạng các khu xử lý rác thải của địa phương còn khá ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
Đoàn đề nghị trong thời gian tới TP cần giải quyết di dời các bãi rác gây ô nhiễm môi trường triệt để và nhanh chóng hoàn thành xây dựng các bãi rác tập trung đạt tiêu chuẩn. Cạnh đó, cần xúc tiến việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt để xử lý nguồn rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng cường công tác thu gom rác đô thị...
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND TP Cần Thơ chiều 9-5. Ảnh: CTV
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, thời gian qua việc xử lý chất thải rắn tại Cần Thơ luôn được TP quan tâm, ưu tiên đầu tư. Bước đầu TP đã có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn và các huyện Cờ Đỏ và Thới Lai. Việc này giúp TP tiết kiệm được nguồn quỹ đất, giảm thiểu việc chôn lấp và xử lý các vấn đề phát sinh do chôn lấp...
Nhưng cũng theo UBND TP, công tác quy hoạch và xây dựng bãi chứa, xử lý rác của Cần Thơ chưa hoàn chỉnh. Công tác thu gom và xử lý rác trên toàn địa bàn chưa triệt để. Trong đó chất thải rắn sinh hoạt thông thường chưa được thu gom, phân loại tại nguồn; công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt đang sử dụng là chôn lấp và từng bước chuyển đổi qua công nghệ đốt…
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết hiện TP đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc kiểm soát chất lượng khí thải với công nghệ xử lý chất thải rắn bằng các lò đốt có thu hồi năng lượng. Cần Thơ đang tìm kiếm các giải pháp xử lý bằng các công nghệ tiên tiến khác nhằm đảm bảo tính bền vững, cũng như đảm bảo tốt về vấn đề môi trường…
TP Cần Thơ cũng kiến nghị trung ương quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn TP các vấn đề liên quan xử lý chất thải rắn như giới thiệu mô hình chung trong việc thu gom phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có thể áp dụng. Cạnh đó, giới thiệu công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; giới thiệu trực tiếp hoặc hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tài trợ, vốn ưu đãi của các tổ chức để phát triển lĩnh vực xử lý chất thải rắn trên địa bàn...