Nhiều sự cố về môi trường đã xảy ra tại Việt Nam (VN) từ nhiều năm nay mà điển hình là sự cố Formosa đầu năm 2016. Mới đây nhất, dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 gần khu vực biển Hòn Cau (Bình Thuận) đã dấy lên những lo ngại về tác động đối với môi trường tại khu vực biển được coi là báu vật của VN và thế giới. Những vấn đề về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lại được công luận xới lên.
Trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) - người nhiều năm nay nghiên cứu pháp luật về ĐTM tại VN và một số nước khác, cho hay: ““Muốn chống cái gì bẩn cũng cần thể chế sạch”, đó là một câu nói tôi tâm đắc”.
Thiếu cả hai yếu tố: Minh bạch và trách nhiệm
. Phóng viên: Vậy thể chế sạch cần có những yếu tố gì, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Minh Đức: Thể chế sạch bắt buộc phải có hai yếu tố: trách nhiệm và minh bạch. Đáng buồn là pháp luật về môi trường của VN thiếu cả hai điều này.
. Vì sao ông lại đưa ra nhận định này?
+ Năm 2011, tôi và vài người bạn thực hiện một nghiên cứu thú vị, so sánh pháp luật về ĐTM của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có VN.
ĐTM lẽ ra phải là một cái lưới chặn, cho những dự án sạch đi qua và loại bỏ các dự án bẩn. Thế nhưng trên thực tế tại VN, cái lưới này thủng đến nỗi hiếm khi nó chặn được một dự án nào, dù dự án đó có bẩn đến đâu.
. Nhưng rõ ràng nếu xem xét hệ thống pháp luật của VN thì những đạo luật, quy định về ĐTM không phải là thiếu?
+ Chính xác là như vậy. Nếu xét về quy trình và nội dung, pháp luật ĐTM của VN chẳng kém gì các nước phát triển, thậm chí còn chi tiết hơn. Nhưng có hai cái chúng ta thiếu: trách nhiệm và minh bạch.
Cụ thể, pháp luật VN dựng lên một quy trình ĐTM chi tiết. Từ luật, nghị định cho đến thông tư về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường. Nhưng kỳ lạ là không hề có bất kỳ quy định trách nhiệm nào nếu quy trình đó bị làm sai. Kể cả khi dự án gây các tác động môi trường ghê gớm, những người có liên quan vẫn có thể dễ dàng phủi tay.
Người lập báo cáo ĐTM thì nói: Tôi chỉ là tư vấn, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư thì nói: Tôi lập và trình báo cáo như vậy nhưng Nhà nước vẫn phê duyệt, vậy trách nhiệm thuộc về người phê duyệt. Người phê duyệt thì nói: Tôi phê duyệt dựa trên kết quả thẩm định của hội đồng nên đây là trách nhiệm của hội đồng. Thành viên hội đồng thì nói: Đây là quyết định của cả hội đồng, không phải của riêng tôi. Đây phải là trách nhiệm tập thể!
Dự án nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát sau nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang gây lo ngại về vấn đề môi trường. Ảnh: INTERNET
Cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân
. Là người có nhiều năm nghiên cứu pháp luật ĐTM ở nhiều nước, ông thấy những nước khác quy định ra sao về vấn đề này?
+ Mỗi báo cáo ĐTM phải do một cá nhân có thẻ hành nghề ký vào. Nếu sau này phát hiện ra có sai sót trong khi lập báo cáo, nhẹ thì cá nhân đó bị tước thẻ, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Quy định này khiến những người làm tư vấn lập báo cáo ĐTM được trả thù lao rất cao nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm rất lớn.
Nhiều quốc gia khác cũng quy định việc thẩm định báo cáo ĐTM qua một hội đồng. Nhưng để tránh trách nhiệm tập thể, những nhà làm luật đã tìm cách quy trách nhiệm cá nhân. Theo đó, nếu báo cáo ĐTM được phê duyệt mà có sai sót thì những thành viên hội đồng đã bỏ phiếu thuận nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì bị truy cứu TNHS. Những thành viên đã bỏ phiếu chống được miễn trách nhiệm.
Quy định này khiến từng thành viên hội đồng phải rất cẩn trọng khi tích vào ô đồng ý cho mỗi báo cáo ĐTM.
Còn khiếm khuyết trong quy định về ĐTM Từ góc độ lập pháp, chúng tôi đã thấy còn khiếm khuyết trong quy định về ĐTM. Chẳng hạn, luật hiện hành quy định là chưa có ĐTM thì chưa được cấp phép đầu tư. ĐTM làm sớm thế thì làm sao đã có cơ sở để làm tốt. Tôi cho rằng cần sửa đổi theo hướng khi dự án đã thiết kế xây dựng đầu tư thì đồng thời làm ĐTM. Rồi phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà tư vấn, các nhà khoa học tham gia tư vấn, các thành viên hội đồng tư vấn, rồi cả người ra các quyết định liên quan. Nhà quản lý ở mỗi khâu, mỗi lĩnh vực cũng phải rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của mình. Chứ như hiện nay thì không chỉ người dân mà ngay cơ quan quản lý cũng cứ nghi nghi ngờ ngờ chứ không có cơ sở nào để ràng buộc trách nhiệm bên tư vấn cả. Bộ trưởng Bộ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ (trả lời Pháp Luật TP.HCM sau cuộc họp báo Chính phủ, tối 3-8-2017 NGHĨA NHÂN |
. Như vậy tức là họ đề cao trách nhiệm cá nhân và đó là chìa khóa để hạn chế những ĐTM gian dối?
+ Hầu hết quốc gia đều quy định báo cáo ĐTM là cơ sở để cơ quan nhà nước cấp phép cho dự án. Nhưng tại VN, nếu một ông chủ tịch tỉnh nào đó cấp phép dự án khi chưa có báo cáo ĐTM thì chẳng sao. Tại nhiều quốc gia khác, ông chủ tịch đó sẽ bị cách chức.
Cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân chính là chiếc chìa khóa đầu tiên tiến tới một thể chế sạch.
Ai cũng có thể tiếp cận ĐTM
. Một điều tôi luôn suy nghĩ, như trong vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống Hòn Cau, đó là tìm kiếm những ĐTM là rất khó khăn.
+ Trước đây tôi nghĩ việc công khai các báo cáo ĐTM trên mạng sẽ cần nguồn lực rất lớn để scan và upload hàng triệu trang tài liệu. Nhưng khi hỏi chuyện vài người bạn làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, tôi mới nhận ra mình đã nhầm.
Hầu hết báo cáo ĐTM được lưu trữ tại các cơ quan nhà nước đều có bản mềm. Nhiều cơ quan đã tải những báo cáo này lên mạng vào các cơ sở dữ liệu để tiện cho công việc. Nhưng đáng ngạc nhiên là người dân không thể tiếp cận, vì chúng chỉ được chia sẻ cho cán bộ của cơ quan.
. Ở các nước mà ông nghiên cứu, việc tiếp cận các báo cáo ĐTM có khó khăn như ở VN không?
+ Không, việc tiếp cận là rất dễ dàng. Chẳng hạn như ở Mỹ, bất kể người dân Mỹ nào cũng có thể truy cập địa chỉ https://www.epa.gov/nepa để tra cứu và góp ý đối với tất cả báo cáo ĐTM được thực hiện trên lãnh thổ quốc gia này. Vì lẽ đó mà các cơ quan nhà nước không thể làm ngơ, làm ẩu đối với các vấn đề môi trường, người dân sẽ giám sát tất cả.
Cho nên có thể nói rằng: Công khai, minh bạch chính là chiếc chìa khóa thứ hai để có thể chế sạch. Chìa khóa thứ nhất, như tôi đã nói, đó là chế tài trách nhiệm.
. Xin cám ơn ông.
Hệ thống pháp luật về môi trường hiện nay bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 18/2015 về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tư 27/2015 của Bộ TN&MT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐTM đã được hoàn thiện. Chính phủ đã hình thành bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương cho đến địa phương. Ngoài Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, các bộ/ngành khác và ban quản lý các khu công nghiệp cũng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi Nghị định 29/2011 (được thay thế bằng Nghị định 18/2015), cả nước có khoảng 7.000 báo cáo ĐTM và 2.500 đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được thẩm định, phê duyệt. Gần đây, mỗi năm Bộ TN&MT thẩm định khoảng 200-250 báo cáo ĐTM; mỗi tỉnh trung bình thẩm định 33-35 báo cáo ĐTM/năm; các bộ/ngành thẩm định rất ít, 1-30 báo cáo ĐTM, riêng Bộ GTVT thẩm định khoảng 70 báo cáo ĐTM/năm. Đến nay chưa có số liệu cụ thể về các đơn vị tư vấn ĐTM, ước tính gần 1.000 tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ ĐTM trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, VN cũng chưa áp dụng hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn ĐTM. |