Chiều 19-7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Bộ TN&MT về việc công khai kết luận thanh tra.
Nhận định lĩnh vực tài nguyên-môi trường có liên quan chặt chẽ, sâu rộng tới đời sống nhân dân và sự phát triển của các địa phương, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng công khai kết luận thanh tra đã khó, thực thi kết luận thanh tra còn khó hơn.
Ông Trần Thanh Mẫn lưu ý tình trạng xả thải, các nhà máy gây ô nhiễm đang được dư luận và báo chí hết sức quan tâm. "Vì vậy, công tác thanh tra của Bộ TN&MT đối với công tác này là hết sức quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân".
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát biểu mở đầu cuộc làm việc với Bộ TN&MT.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng lĩnh vực tài nguyên và môi trường liên quan chặt chẽ tới sự phát triển bền vững của các địa phương và cả nước. Theo bộ trưởng, dù công tác thanh tra của Bộ TN&MT luôn được quan tâm và tiến hành thường xuyên nhưng chắc chắn còn nhiều hạn chế.
Bộ trưởng cho hay Bộ TN&MT dù có nhiệm vụ lớn và nặng nề nhưng đã rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. “Tôi mong đoàn công tác chỉ ra những hạn chế, tồn tại để công tác thanh tra của Bộ TN&MT trở nên hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT liên quan chặt chẽ tới đời sống người dân và sự phát triển của đất nước.
Trình bày báo cáo về việc thực hiện công khai kết luận thanh tra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho hay: Thực hiện kế hoạch thanh tra được ban hành năm 2016, năm 2017, Bộ TN&MT đã triển khai 40 đoàn thanh tra.
Theo Thứ trưởng Hoa, các tồn tại, sai phạm được phát hiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đang trình bày báo cáo về việc thực hiện công khai kết luận thanh tra.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực môi trường, Thứ trưởng Hoa cho hay những sai phạm chủ yếu là xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép; quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng theo quy định; thực hiện không đúng nội dung báo cáo hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt; thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình giám sát môi trường định kỳ...
“Đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn có các tồn tại như công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương vẫn còn hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường sau khi có báo cáo ĐTM được phê duyệt chưa hiệu quả, năng lực kiểm soát đối với các nguồn xả thải lớn còn hạn chế...” - Thứ trưởng Hoa cho hay.
Vụ Formosa xả thải được nêu trong báo cáo và Thứ trưởng Hoa cho hay: “Đối với hiện tượng hải sản chết bất thường từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đầu tháng 4-2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất liên ngành để tiến hành kiểm tra toàn diện đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS)”.
Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi, nêu nhiều vấn đề để Bộ TN&MT giải trình.