“Thời gian tới, MTTQ Việt Nam (VN) sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, phương pháp và quy trình để phát huy thực sự vai trò giám sát của mỗi người dân và cộng đồng dân cư; tập trung giám sát, phản biện xã hội trực diện đối với những nội dung, lĩnh vực cử tri, nhân dân và xã hội quan tâm, bức xúc” - ông Trần Thanh Mẫn, tân Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cho biết trong buổi trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM.
Giám sát việc sử dụng đất đai
. Phóng viên: Ông nhấn mạnh mặt trận sẽ “giám sát, phản biện trực diện”. Điều này có nghĩa là gì, thưa ông?
+ Ông Trần Thanh Mẫn: Đó là những vấn đề liên quan, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của cử tri và xã hội. Chẳng hạn, những vấn đề đang nổi lên hiện nay như an toàn thực phẩm (ATTP), trật tự an toàn xã hội, sử dụng đất đai, tham nhũng và lãng phí. Có thể nói đó là những vấn đề không chỉ liên quan tới lợi ích sát sườn của người dân mà còn là lợi ích của quốc gia.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã đề cập đến những vấn đề này. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhân dân và cử tri cũng kiến nghị cần phải có giải pháp căn cơ cho những điều chúng ta nói ở trên.
. Từ năm 2015 tới nay, MTTQ VN các cấp cũng đã tiến hành nhiều cuộc giám sát, phản biện. Ông nhận định tác động của những cuộc giám sát, phản biện này thế nào?
+ Thời gian qua MTTQ VN đã triển khai hơn 700 cuộc giám sát, phản biện cấp trung ương, hơn 4.000 cuộc cấp địa phương, khoảng 20.000 cuộc cấp cơ sở. Nếu xét riêng về số liệu này thì công tác giám sát, phản biện ngày càng trở nên thiết thực, tích cực và quan trọng.
MTTQ VN đã tiến hành những cuộc giám sát về ATTP, về vật tư nông nghiệp… và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, cuộc giám sát việc tuân thủ pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ án kéo dài, có dấu hiệu oan sai đã được tiến hành. Chẳng hạn vụ án liên quan đến năm công dân ở Tuyên Quang bị kết tội giết người…
Nhưng đúng như nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra: Còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi dũng khí, trí tuệ của chủ tịch mặt trận ở 63 tỉnh, thành.
Theo nghị quyết liên tịch, đề án hạn chế xe máy trong nội đô mà Hà Nội đang xây dựng có thể được mặt trận phản biện. Ảnh: GD
Báo chí là nguồn thông tin quan trọng
. Khi ông nói rằng công tác giám sát, phản biện còn cần đến dũng khí, trí tuệ và còn nhiều việc phải làm, điều đó hẳn là có ý nghĩa công tác giám sát, phản biện còn nhiều trở ngại?
+ Điều rất thuận lợi là hiện nay, ngoài Hiến pháp 2013, Luật MTTQ 2015 cũng như các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị thì nghị quyết liên tịch về công tác giám sát, phản biện giữa Quốc hội, Chính phủ và MTTQ VN đã vừa được ký kết. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng khác để MTTQ VN tiến hành công tác giám sát, phản biện tích cực hơn trong thời gian tới.
Nếu có những trở ngại thì chúng ta cần khắc phục bằng việc huy động trí tuệ, khả năng của nhân dân, thông qua các tổ chức thành viên của MTTQ VN thuộc nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như lĩnh vực pháp luật thì có Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các vấn đề về đầu tư, kinh doanh thì có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội ngành nghề khác…
. Nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng nói rằng “chưa có nhiều vấn đề mà MTTQ VN chủ động phát hiện”, thưa ông?
+ Thực tế này chúng ta thừa nhận và sẽ khắc phục trong thời gian tới. Trong nghị quyết liên tịch tôi đề cập ở trên đã nói rõ rằng ngoài chương trình phối hợp và thống nhất hằng năm của MTTQ VN các cấp với nhau, với các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước thì đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức do Ủy ban Trung ương MTTQ VN tiếp nhận là một cơ sở giám sát quan trọng.
Đặc biệt, thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng trở thành một cơ sở quan trọng của công tác giám sát, phản biện. Mỗi bài báo, mỗi tin tức trên báo chí, dù ở trung ương hay địa phương, nếu nêu bật được những vấn đề bức xúc, được nhân dân và cử tri quan tâm thì MTTQ VN sẽ vào cuộc giám sát ngay.
. Xin cám ơn ông.
Tiếp tục giám sát về an toàn thực phẩm Về ATTP, có thể nói MTTQ VN các cấp đã có một thời gian dài tiến hành giám sát. Những kết quả thu được đã phản ánh qua các bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Năm 2016, Quốc hội cũng có chương trình giám sát tối cao về vấn đề này. Thông qua việc phối hợp giám sát giữa MTTQ VN và Chính phủ năm 2016, những vấn đề về ATTP đã dần được giải quyết. Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân đã có những thông điệp hết sức quan trọng như: “Người Việt không thể đầu độc người Việt”; “không thể tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đầu độc chính đồng bào của mình”. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề hết sức hệ trọng tới sức khỏe, đời sống của nhân dân và sự phát triển lành mạnh của giống nòi dân tộc, thời gian tới MTTQ VN các cấp, với kinh nghiệm từ nhiều năm nay, sẽ vào cuộc sâu sát hơn nữa để cùng Quốc hội và Chính phủ giám sát hiệu quả vấn đề này. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Được quyền yêu cầu giải trình Theo nghị quyết liên tịch về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ VN (có hiệu lực từ 15-6-2017), một trong những căn cứ để MTTQ VN tổ chức phản biện xã hội là dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ VN. Theo đó, Ủy ban MTTQ VN, tổ chức chính trị-xã hội chủ trì phản biện xã hội có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp, xây dựng văn bản phản biện xã hội. Trường hợp cần thiết có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội giải trình làm rõ về những nội dung phản biện xã hội bằng văn bản hoặc thông qua cuộc họp. |