Ngày 16-5, phát biểu kết luận hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị khóa XI về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, đã khẳng định điều này.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: "Lãnh đạo, các cấp chính quyền phải thấy được trách nhiệm của mình với đất nước".
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hoạt động của chính quyền cả nước liên quan đến trên 11.000 phường, xã, cũng như các doanh nghiệp và người dân, nên nếu chỉ dựa vào lực lượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thì không thể làm được.
“Giám sát, phản biện vì vậy là yêu cầu bức bách cả về chính trị và thực tế cuộc sống” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Dẫn ra những cuộc giám sát về cung ứng vật tư nông nghiệp, về rà soát chính sách đối với người có công, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: nếu không có MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân thì không thể thực hiện được các cuộc giám sát.
Trong thể chế một đảng của Việt Nam, ông Nhân nói rằng: muốn thực hiện được giám sát, phản biện thì lãnh đạo, chính quyền các cấp phải thấy được trách nhiệm của mình với đất nước, với nhân dân.
“Giám sát, phản biện là của yêu cầu dân chủ. Nếu không có giám sát, phản biện, chính quyền sẽ xa rời dân. Nếu các cấp chính quyền nhận thức rằng thực hiện giám sát, phản biện là vì sự tồn tại của chế độ, sự vững mạnh của chính quyền, thì đây là công việc bắt buộc” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Nói về Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những quyết định này tuy ban đầu là của Đảng nhưng đã trở thành một phương thức hoạt động của thể chế chính trị.
“Cùng với Luật MTTQ, Nghị quyết liên tịch về giám sát, phản biện giữa Quốc hội, Chính phủ và UB Trung ương MTTQ Việt Nam thì tới đây, sẽ có những kiến nghị sau giám sát bắt buộc phải thi hành” - ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cho rằng: Quyết định 217, 218 vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị có tác dụng phát huy dân chủ xã hội
Những quyết định này, theo bà Mai, nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ xã hội.
Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 217, 218 sau 3 năm thực hiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho hay: trong 3 năm MTTQ Việt Nam các cấp trên cả nước đã chủ trì 56.689 cuộc giám sát.
Phó chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết một trong những nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...
Công tác phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền cũng được đẩy mạnh. “Trong 3 năm qua, UB Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với hàng chục dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác” - ông Mẫn cho biết.