Hành động triển khai giàn khoan dầu HD-981 của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam tiềm tàng một "kịch bản vô cùng nguy hiểm" - Ảnh: News.
Hãng tin Reuters dẫn lời TS. Ian Storey, chuyên gia về biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho rằng, hành động triển khai giàn khoan dầu HD-981 của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam tiềm tàng một "kịch bản vô cùng nguy hiểm".
"Đã từng có đối đầu giữa các tàu khảo sát của các bên nhưng đây là một diễn biến mới. Từng có nhiều suy đoán về việc Trung Quốc sẽ sử dụng giàn khoan mới và đắt tiền này như thế nào và hiện rõ ràng là chúng ta đã có câu trả lời. Điều này sẽ đặt Việt Nam vào một vị trí rất khó khăn", vị học giả Singapore nói.
Ông cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối phó trước thách thức đối với chủ quyền của mình. Và khi Việt Nam làm như vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng. "Và khi đó, chúng ta sẽ đứng trước tình thế tiềm tàng kịch bản vô cùng nguy hiểm", TS. Storey nhận định.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Phó giáo sư Lý Minh Giang thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng, "Việt Nam sẽ công khai chỉ trích Trung Quốc trên trường quốc tế và động viên các nước ASEAN khác, đặc biệt là những nước tuyên bố có chủ quyền (ở biển Đông), gây sức ép với Trung Quốc".
Trong bài viết đăng trên blog cá nhân mới đây, học giả Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu Trung Quốc về biển và luật biển, cho rằng Trung Quốc là nước ký Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vì thế cần hành xử theo điều 74 và điều 83 của công ước, tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.
Ông Lý Lệnh Hoa cho biết, phóng viên tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ san của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gọi điện để hỏi quan điểm của ông về tình hình mấy ngày qua ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau khi nước này đưa giàn khoan HD-981 đến khai thác thăm dò ở vùng biển trên.
Ông Lý đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm trên của ông với phóng viên Thời báo Hoàn cầu.
Ông khẳng định, nội dung liên quan đến vấn đề này ông thường xuyên viết trên blog của mình trong thời gian gần đây, ông hy vọng phóng viên Thời báo Hoàn Cầu nên xem và tiếp tục trao đổi.
Học giả Lý Lệnh Hoa chuyên nghiên cứu về vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế tại Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc. Ông từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường chín đoạn" là đường biên giới quốc gia của mình.
Ông Lý từng nhận định, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề biển Đông, trong khi không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh những tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở biển Đông là đúng.
Theo TTXVN, hôm 7/5, tại Roma (Italy), Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng, Bộ Ngoại giao Italy đã phối hợp tổ chức hội thảo về "Vai trò của Italy tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Sau khi nghe Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long thông báo về tình hình căng thẳng trên biển Đông, nhất là việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, nhiều học giả, diễn giả và đại biểu đã lên án hành động trên của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực.
Một số đại biểu cũng đã nhấn mạnh việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.
Một số ý kiến cho rằng, Italy, với tư cách là một thành viên của nhóm G7 và đang ngày càng quan tâm hơn đến khu vực này, cần phải đóng một vai trò nhất định trong việc cùng cộng đồng quốc tế tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông, tiến tới việc giải quyết những tranh chấp liên quan vùng biển này, theo luật pháp quốc tế.
Cũng theo TTXVN, trả lời phỏng vấn cơ quan này, học giả Andrew Billo, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á có trụ sở tại thành phố New York khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo UNCLOS năm 1982.
Theo ông Andrew, đây rõ ràng là sự thất bại của Trung Quốc trong trách nhiệm phải hành động theo DOC mà Trung Quốc đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS, vì thế Trung Quốc cần phải tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này. Nếu thực tế, Trung Quốc không hài lòng với việc khoan thăm dò của Việt Nam ở đây, như đã nhiều lần xảy ra trước đó, ít nhất họ cũng phải tìm các cách khác nhau để giải quyết bất đồng trước khi có các bước đi đơn phương như vậy.
Về động cơ đằng sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng nó xuất phát từ nhận thức rằng gần như toàn bộ biển Đông thuộc lãnh thổ của nước này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép các quốc gia láng giềng, yêu cầu họ phải tôn trọng và tuân thủ các tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông của Bắc Kinh.
Hành động này cũng xuất phát từ thực tế rằng Trung Quốc ngày càng nhận thấy mình không nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trước các hành động của họ.
Dự báo về tình hình biển Đông sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động theo cách bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giềng. Vì vậy, nước này sẽ chỉ làm cho tình hình ngày càng phức tạp hơn.
Trong khi đó, liên quan tới tin tức tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, hãng tin Bloomberg dẫn lời Giáo sư Taylor Fravel thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, chia sẻ rằng "nguy cơ leo thang là có thực, do vai trò của dầu và tình trạng của cả hai nước (Việt - Trung)".
Theo NHẬT MINH (Vneconomy)