Trung Quốc toan tính gì với giàn khoan khủng?

Bất chấp sự lên án mạnh mẽ của Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang nhiên khẳng định hoạt động của giàn khoan là hợp pháp. Có nhiều nước khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nhưng riêng Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết vùng biển.

Đây không phải là lần đầu tiên việc tìm kiếm năng lượng trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tuy nhiên, nó là bước đi lớn nhất trong toan tính độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc, giàn khoan, chủ quyền, Biển Đông, Philippines
Giàn khoan HD 981.Ảnh: wordpress

Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động thăm dò năng lượng ở các khu vực tranh chấp Biển Đông và cản trở các nước khác tiến hành thăm dò. Nhưng dường như đây là lần đầu tiên, công ty dầu khí Trung Quốc thực sự tiến hành khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác.

Động thái của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama vừa trở về sau chuyên công du châu Á để trấn an các đồng minh như Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc rằng, Mỹ sẽ ngăn chặn hành động bắt nạt mà Trung Quốc tiến hành trong lĩnh vực hàng hải. Có thể nói, Bắc Kinh đã tiến hành một trong những bước khiêu khích lớn nhất từ trước tới nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói với báo giới: "Với lịch sử căng thẳng gần đây trên Biển Đông, quyết định của Trung Quốc khi hoạt động giàn khoan ở vùng tranh chấp là hành động khiêu khích và vô ích đối với nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Theo các chuyên gia phân tích, việc đưa giàn khoan ra vùng biển của Việt Nam thể hiện rõ rằng, Bắc Kinh đang từ từ khẳng định quyền kiểm soát khu vực.

"Nó sẽ là một trong nhiều, rất nhiều các bước nhỏ. Mỗi bước ấy sẽ không dẫn tới xung đột nhưng dần dần sẽ thay đổi hiện trạng”, Mike McDevitt, đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu cũng là chuyên gia nghiên cứu chiến lược cho biết.

Biển Đông đã trở thành “thùng thuốc súng” với nhiều quan ngại xung đột bùng nổ giữa Trung Quốc và  các nước láng giềng. Vùng biển này mang lại giá trị hàng nghìn tỉ USD trong thương mại quốc tế và có tiềm năng lớn về trữ lượng dầu khí. Philippines gần đây đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì yêu sách chủ quyền thái quá với Biển Đông.

Cuối tuần trước, Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã hạ đặt giàn khoan nước sâu trong khu vực 120 hải lý từ phía đông bờ biển Việt Nam, không xa khu vực mà các công ty quốc tế như Tập đoàn Exxon Mobil đã phát hiện lượng lớn khí gas dự trữ. Việc triển khai giàn khoan HD981 dường như là một phần chiến lược của CNOOC để phục vụ “lãnh thổ quốc gia di động” để có thể mở rộng chủ quyền của Trung Quốc tới các vùng nước mở.

Mỹ đã khẳng định lập trường không đứng về phía nào trong tranh chấp, nhưng đã thúc giục các nước liên quan giải quyết tranh chấp dựa trên các nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Hồi tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo một thỏa thuận giúp củng cố lực lượng phòng vệ bờ biển của Việt Nam.

Bà Holly Morrow, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Belfer, Đại học Harvard cho rằng, bất luận tài nguyên năng lượng thực tế lớn thế nào ở dưới đại dương, thì cách tiếp cận “nặng tay” của Bắc Kinh với những mối quan hệ khu vực sẽ khiến họ khó có thể khai thác dầu khí. Nó cũng tạo ra hàng loạt hành động khiêu khích và va chạm về chủ quyền quốc gia hơn là cạnh tranh nguồn tài nguyên.

“Cái giá về ngoại giao mà Trung Quốc phải trả cho những gì đang làm là quá cao, vì thế, những gì mà Trung Quốc muốn phải cao hơn lợi ích an ninh năng lượng”, bà nói.

Theo Thái An-Vietnamnet(theo foreignpolicy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm