Đâu là lý do? Cách nào khắc phục tình trạng này?
Giám sát lỏng lẻo
. Phóng viên: Thưa ông, gần đây dồn dập xảy ra hiện tượng người dân sau khi bị công an cấp xã mời lên làm việc thì sau đó phải nhập viện, có người tử vong. Vì sao có sự việc này?
+ Ông Đỗ Đức Vĩnh, kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao tại TP.HCM: Không phải xảy ra dồn dập mà hiện tượng này đã tồn tại từ lâu. Đây là một thực tế không thể phủ nhận nhưng trước đây chúng ta chưa biết và là thực trạng làm đau lòng ngành công an. Hiện nay các phương tiện truyền thông phản ánh nhanh hiện tượng này, giúp các nhà làm luật xây dựng cơ chế phòng ngừa tốt hơn.
Với những sự việc lạm quyền, đánh đập cụ thể, chắc chắn những công an lạm quyền sẽ bị xử lý.
. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở công an cấp xã?
+ Chưa có con số thống kê nhưng với những thông tin dồn dập trên báo chí, đây là hiện tượng cần lưu tâm.
Theo quy định hiện hành, công an cấp xã được quyền thực hiện nhiều nhóm công việc, trong đó có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Công an xã được quyền thẩm tra, xác minh, phân loại các tin tức về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Công an xã được phép lập hồ sơ, lấy lời khai ban đầu… Như vậy, trong một số trường hợp, công an xã đã làm công tác “tiền tố tụng”, làm công việc của điều tra viên nhưng luật chưa quy định cụ thể cách thức thực hiện, trong khi việc này lại dễ đụng chạm đến quyền con người, quyền dân chủ của công dân. Các hoạt động này nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật.
Anh Nguyễn Hồng Khởi ói ra máu và được công an đưa đi cấp cứu vào tối 11-2 sau khi Công an phường Linh Xuân, quận Thủ Đức làm việc. Ảnh: HT
Khác với quy trình tố tụng, hoạt động của cơ quan điều tra bị giám sát chặt chẽ từ rất nhiều cơ quan, trong đó có VKSND. Riêng hoạt động của công an cấp xã chỉ chịu sự giám sát của cơ quan cấp xã, các đoàn thể cấp xã và cấp trên trực tiếp. Thoạt nhìn chúng ta thấy cơ quan công an cấp xã có đủ các thiết chế giám sát nhưng như chúng ta đã biết, hoạt động của công an lại đặc thù nên các cơ quan, đoàn thể cấp xã khó nắm bắt, chỉ vào cuộc khi xảy ra vi phạm nên cũng khó ngăn ngừa hành vi lạm quyền của họ.
Tiêu chuẩn trình độ quá thấp
.Vậy đâu là giải pháp ngăn ngừa tình trạng lạm quyền này?
+ Phải nhìn nhận rằng hiện hoạt động giám sát của các đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc với ngành công an còn yếu, cần khắc phục tình trạng này để ngăn ngừa vi phạm.
Cạnh đó cần công khai, minh bạch hoạt động của công an cấp xã. Lâu nay chúng ta vẫn thấy hiện tượng khi công an mời lên làm việc thường chỉ có công an với đương sự trong một phòng riêng, cửa đóng kín bưng nên mới có chuyện đánh đập, nhục hình. Trong khi hoạt động của công an cấp xã không là hoạt động tố tụng, hà cớ gì phải đóng kín cửa khi làm việc với đương sự?
Có thể không nên để người khác nghe thấy nội dung làm việc nhưng nên để những người xung quanh nhìn thấy cuộc làm việc giữa công an với đương sự bằng cách mở cửa sổ, cửa phòng cho mọi người xung quanh nhìn thấy. Điều này sẽ điều chỉnh ngôn phong, tác phong làm việc của người thực thi công vụ và sẽ không có chuyện công an đánh đương sự. Đây cũng là cách tốt nhất để các đoàn thể, chính quyền giám sát hoạt động của công an.
. Như ông nói, hoạt động công an xã đụng chạm đến quyền con người nhưng tiêu chuẩn thành công an viên rất thấp, có nơi chỉ cần hết tiểu học. Ngay cả quyền của chính họ họ còn không nắm thì làm sao đi bảo vệ quyền của người khác…
+ Tôi hoàn toàn đồng tình với điều này. Khi anh không có kiến thức pháp luật mà giao quyền đụng chạm đến quyền con người rất dễ bị lạm quyền. Theo quy định, tiêu chuẩn công an viên chỉ cần hết trung học cơ sở hoặc hết tiểu học (ở vùng sâu, vùng xa). Tiêu chuẩn này quá thấp so với sự phát triển của xã hội hiện nay…
Cũng nhìn nhận rằng chế độ cho công an cấp xã còn thấp so với mặt bằng chung nên chưa đủ sức thu hút người vào làm trong khi công việc của họ là cả núi, làm việc không kể ngày đêm. Điều này cũng cần xem lại.
Cạnh đó, điều muôn thuở là nâng cao dân trí để người dân đủ lý lẽ bảo vệ quyền của mình sẽ tránh việc bị bắt nạt.
. Có một thực tế công an xã tiếp nhận thông tin về những vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng không báo cho công an cấp trên, tự mình thực hiện việc thu thập và xảy ra những chuyện không hay…
+ Thực tế có rất nhiều trường hợp sự việc phạm tội xảy ra, công an cấp xã giải quyết mà không chuyển cho cơ quan điều tra công an cấp huyện trong khi họ không có chức năng giải quyết. Vấn đề này liên quan đến quy trình xử lý tin báo tố giác tội phạm và các ngành đang gấp rút hoàn thiện để ngăn ngừa vi phạm, ngăn ngừa việc lạm quyền…
. Xin cảm ơn ông.
VI TRẦN
Lạm quyền điều tra 1. Gõ từ khóa “chết tại trụ sở công an”, Google cho ra hơn 7,2 triệu kết quả; còn với từ khóa “tự tử tại trụ sở công an” thì con số này là 1,5 triệu. Tất nhiên số vụ bị cho là chết hay tự tử ở trụ sở công an không lên đến số đó nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện trên báo chí khiến những ai quan tâm không khỏi giật mình. Ở nhiều vụ, “kịch bản tự tử” tuy khác nhau vài tình tiết nhưng tựu trung là: Nghi can - người được công an mời đến trụ sở làm việc không biết vì lý do gì sau đó đã dùng dây (thắt lưng hay bất cứ dây gì) treo cổ lên… song cửa sổ trong phòng trụ sở công an. Mà cửa sổ thì không quá đầu người, tức những ai thích chết thì phải co giò lên trong một thời gian đủ dài để thần chết rước đi! Nói theo ngôn ngữ bình dân thì đến đứa con nít còn không tin nổi chuyện này chứ nói gì người lớn có lý trí. Ấy thế nhưng người ta vẫn kết luận nguyên nhân cái chết trong trụ sở công an tréo ngoe như thế, bất chấp khoa học từng chứng minh điều hiển nhiên trong bản năng sống của con người là không thể làm thế dù cho trước đó anh ta thật sự có ý định tự tử. Nhưng rồi tin hay không là tùy, kết luận vẫn cứ đưa ra, người chết thì cũng đã chết rồi, người (thân) còn sống nếu muốn khiếu nại cứ khiếu, bởi trả lời sau đó của cơ quan có thẩm quyền vẫn không thay đổi: Chết vì tự tử. 2. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, ở nước ta cơ quan điều tra chỉ có ở cấp huyện trở lên, tức cán bộ công an xã không phải là cán bộ điều tra, không phải là điều tra viên. Về nguyên tắc, công an xã/phường là (một trong những) nơi tiếp nhận thông tin, tin báo tội phạm ban đầu. Tại đây, cán bộ công an chỉ được quyền ghi biên bản lời khai ban đầu đối với các nghi can và người liên quan, biết chuyện. Sau đó nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì công an xã/phường sẽ chuyển vụ việc lên công an quận/huyện - nơi có cơ quan điều tra để nơi này thụ lý giải quyết. Khi đó, điều tra viên sẽ trực tiếp điều tra vụ việc, sẽ hỏi cung nghi can theo trình tự thủ tục tố tụng chặt chẽ. Những biên bản ghi lời khai ban đầu ở công an xã/phường (nếu có) chỉ là tài liệu tiền tố tụng, được thực hiện ở giai đoạn tiền tố tụng. Nó tuy cũng có giá trị (vì được lưu trong hồ sơ bút lục vụ án) nhưng giá trị pháp lý của nó rất thấp. Ấy thế nhưng thực tế cho thấy trong rất nhiều trường hợp chính công an xã/phường lại là người đầu tiên thực hiện công đoạn điều tra đối với các nghi can, mà thực hiện rất dữ, rất quyết liệt. Thay vì chỉ ghi biên bản lời khai ban đầu, không ít nơi đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra để buộc nghi can phải nhận tội. Đây chính là đầu dây mối nhợ khiến không ít cán bộ công an vì nóng vội điều tra cho ra sự việc mà sử dụng biện pháp nghiệp vụ phi chính thức, dẫn đến nghi can bị bầm trầy, thậm chí chết oan. Cho nên, nếu để ý kỹ thì sẽ thấy số vụ “chết ở trụ sở công an” xảy ra ở công an xã/phường nhiều hơn ở công an quận/huyện. Đã đến lúc ngành công an cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này. Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp đáng tiếc nào, cơ quan chức năng nên mạnh dạn điều tra và nghiêm trị cán bộ công an làm sai để răn đe, giáo dục. Và trên hết đừng bao giờ để xảy ra bất kỳ vụ “chết ở trụ sở công an” nào nữa. Có như thế mới lấy lại niềm tin của người dân vào lực lượng công an, lực lượng được coi là luôn gần dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. NGÔ THÁI BÌNH |