Không thể cứng nhắc ‘theo quy trình’

Vậy hiệu quả của yêu cầu gắn hộp đen trên các xe ra sao, trong khi việc truyền dữ liệu từ hộp đen về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (để tổng hợp, xử lý) đã thực hiện liên tục hơn một năm qua nhưng các tai nạn thảm khốc do xe khách chạy quá tốc độ cứ liên tục xảy ra?

Trước đây, trong bối cảnh hàng loạt các vụ tai nạn (với nguyên nhân đầu tiên là tài xế phóng nhanh, vượt ẩu) thì biện pháp gắn hộp đen được đặt ra. Khi ấy, cơ quan chức năng lý giải một trong những mục tiêu của việc gắn hộp đen đạt chuẩn, rồi buộc truyền liên tục năm thông số (hành trình, tốc độ, số lần dừng đỗ, số lần đóng/mở cửa, thời gian làm việc của lái xe) sẽ là giải pháp tích cực giúp kiểm soát, xử lý vi phạm, giảm tai nạn.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy hiệu quả của việc truyền dữ liệu từ hộp đen có nhiều điểm cần bàn. Trả lời từ phía đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thể hiện sự thụ động, có phần thiếu trách nhiệm trong việc “sử dụng các dữ liệu từ hộp đen” để phát hiện, xử lý kịp thời các xe đua tốc độ.

Dữ liệu của hộp đen được “tập hợp rồi xử lý” nói lên một quá trình, là khoảng thời gian dài, trong khi yêu cầu cấp thiết là chấm dứt ngay hành vi đua tốc độ chứ không thể chờ gây tai nạn hoặc xe dừng rồi mới xử. Cạnh đó, “xử lý” lại là phạt với chủ xe (như thu hồi phù hiệu) chứ không phạt tài xế và càng không phạt (nguội cũng được) về lỗi quá tốc độ… Thật khó hiểu khi tới nay dữ liệu từ hộp đen, nhất là với lỗi quá tốc độ, lại chưa được dùng làm căn cứ xử phạt nhằm kiềm chế tình trạng mất an toàn giao thông như mục tiêu ban đầu.

Theo quy định, xe chạy quá tốc độ 5 km/giờ đã bị xử lý rồi. Nhưng với cách tiếp cận vấn đề một cách thụ động, thủ công (cử người dán mắt vào màn hình thay vì có ứng dụng nhận diện và thông tin ngay xe chạy quá tốc độ để kịp thời cảnh báo tài xế…) thì sẽ không thể nào kịp thời ngăn chặn vấn nạn tranh đường, chạy ẩu. Và người dân sẽ phải còn bị ám ảnh dài dài với những “hung thần tốc độ” trên đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm