Làm gì để tránh “bẫy” thu nhập trung bình?

Ngày 15-4, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam”. Tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng Việt Nam cần phải cải cách thể chế một cách mạnh mẽ, thực chất, trong đó điều tiên quyết là cần có những hành động ngay để phát triển kinh tế thị trường cho đúng.

“Xin-cho vẫn ngự trị trong các định hướng phát triển”

Tại hội thảo này, GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản nhận định Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhưng “điều quan trọng đối với Việt Nam bây giờ không phải là câu chuyện thảo luận mãi có rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa mà là Việt Nam sẽ hành động như thế nào để tránh tình trạng này” - GS Kenichi Ohno nói và cho rằng điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần thay đổi tư duy làm chính sách, thay vì chỉ quan tâm đến việc ban hành chính sách thì phải quan tâm hơn đến việc chính sách đó sẽ được thực thi như thế nào.

Nói về giải pháp cụ thể, TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng lâu nay chúng ta hay nói về cải cách thể chế nhưng cải cách cụ thể cái gì, đột phá như thế nào thì không ai bàn cho ra, cho nên nói mà không hành động được. “Chúng ta cũng đã thống nhất Nhà nước cần chủ động từ bỏ việc sử dụng quyền lực của mình can thiệp quá sâu vào thị trường, tạo thể chế để thị trường vận hành đúng như bản thân nó. Nhưng vấn đề là Nhà nước có dám từ bỏ không?” - TS Cung đặt vấn đề. Theo ông Cung, cải cách thể chế trước hết phải vận hành theo thị trường rồi mới tháo được những nút thắt khác. “Hiện nay chúng ta đang đứng trước một cơ hội là làm hàng loạt luật: Luật Ngân sách, Đầu tư công, Tổ chức Chính phủ… Đây là những luật căn bản tạo ra thể chế thị trường. Tôi đề nghị những luật này cần tạo ra một nền kinh tế thị trường thật, thắt “vòi” của Nhà nước lại đừng để như một thùng không đáy” - ông Cung nhấn mạnh.

 
Cần tạo thể chế để phát triển kinh tế thị trường cho đúng là một trong những việc cần làm ngay để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ảnh: HTD

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng chúng ta phải làm thật. “Đã chuyển sang thị trường rồi thì phải thị trường thật. Muốn làm tư nhân thì tư nhân thật, chứ như hiện nay chúng ta làm những cơ hội cho tư nhân giảm đi, những cái thơm ngon nhất tư nhân không được hưởng” - ông Thiên nói. Theo ông Thiên, tất cả vấn đề hiện nay đều quy về những trói buộc từ thể chế. Vì vậy phải “giải phóng” thể chế. Và ở đây “đừng nghĩ gì cao siêu làm không được. Đơn giản chỉ là phát triển kinh tế thị trường cho đúng, đừng làm cho nó méo mó” - ông Thiên nói.

Về vấn đề này PGS-TS Phạm Bích San, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cũng cho rằng sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy sự mờ nhạt của định hướng thị trường. Các nguyên lý thị trường không được sử dụng để định hướng phát triển và phân bổ nguồn lực một cách đầy đủ. “Cách hành xử kế hoạch hóa tập trung, tính xin-cho vẫn ngự trị trong các định hướng phát triển” - ông San nhìn nhận.

Quên tài nguyên đi để phát triển

Ở một giải pháp khác TS Thiên cho rằng: “Để phát triển công nghiệp hiện đại chúng ta phải quên các thứ tài nguyên đi mà chú ý đến chất lượng con người. Nói như thế không có nghĩa là coi thường tài nguyên nhưng muốn sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả thì quan trọng nhất vẫn là phải coi trọng chất lượng nguồn nhân lực” - ông Thiên nói.

Ông Thiên cũng lưu ý Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thay đổi cách nhìn về tăng trưởng. “Việc tạo cơ hội để thu hút FDI thì chúng ta làm rầm rộ nhưng toàn mời những ông công nghệ thấp, tận dụng lao động rẻ, ô nhiễm môi trường nhiều, khai thác tài nguyên cạn kiệt về mặt chiến lược kinh tế như vậy là không ổn” - ông Thiên nhìn nhận.

Đồng ý về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cảnh báo mạnh mẽ rằng “chúng ta đang rất không hay về FDI”. Theo TS Hồ, mục tiêu quan trọng nhất ở FDI là chuyển giao công nghệ thì hiện nay chỉ có 5% công nghệ cao, 15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông nên tạo ra giá trị gia tăng chỉ 20%, còn giá trị nội địa chỉ 10%. “Vậy làm sao vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Phải xoay chuyển lại tình thế này để sử dụng nội lực của chúng ta hợp tác với quốc tế” – TS Lưu Bích Hồ khuyến cáo.

GIA NGUYÊN

 

Việt Nam đã rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình chưa?

GS Kenichi Ohno:

“Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình”

Theo lý giải của GS Kennichi, có nhiều dấu hiệu chứng minh rằng Việt Nam đang rơi vào bẫy này. Đó là tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại trong khi năng suất lao động kém, khu vực tư nhân chưa đủ mạnh và còn nhiều yếu kém, trong các bảng xếp hạng toàn cầu Việt Nam vẫn ở vị trí trì trệ. Thêm vào đó là Việt Nam đã và đang đối mặt với các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng đem lại như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, tắt nghẽn giao thông, chênh lệch giàu nghèo...

TS Lưu Bích Hồ:

“Chưa rơi vào bẫy nhưng rất đáng cảnh báo”

Hiện nay chúng ta chưa rơi vào bẫy. Nếu theo Ngân hàng Thế giới nhận định, chúng ta còn 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và nếu rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao thì thêm 14 năm nữa. Vì vậy không cần bàn chuyện đó. Chúng ta trở thành nước thu nhập trung bình mới có mấy năm nhưng với tình trạng phát triển hiện nay thì rất cần cảnh báo. Bởi lẽ nếu cứ tăng trưởng như giai đoạn trước năm 2006 thì chúng ta đã qua được cơn chấn động và khôi phục tăng trưởng. Nhưng sau khủng hoảng năm 2008 đến nay có một thực trạng cực kỳ quan trọng là chúng ta đang tăng trưởng với hiệu quả thấp, năng suất thấp.

PGS-TS Trần Đình Thiên:

“Nền kinh tế đang có vấn đề nghiêm trọng”

Tôi nghĩ nếu Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì cũng sắp rơi vào rồi. Bởi có hai thực tế rất rõ đó là đẳng cấp phát triển của Việt Nam rất thấp. Nếu lấy công ra nói thì vẫn chủ yếu khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Tức là những ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam chủ yếu là những ngành đẳng cấp thấp nhất. Trong khi đó thế giới họ đang chuyển sang kinh tế tri thức, chuyển mạnh sang công nghệ cao. Bằng chứng thứ hai trong vòng bảy năm nay, từ khi hội nhập vào WTO nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giảm. Mấy năm nay tốc độ tăng trưởng của ta giảm cho thấy có vấn đề nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm