Mức bồi thường được nhân lên theo số người chết

Quan điểm thứ nhất cho rằng người thân nhân đó chỉ được bồi thường tổn thất tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu.

Quan điểm thứ hai bảo phải bồi thường lần lượt cho từng người thân thích cho gia đình có nhiều người chết. Cụ thể những người ở hàng thừa kế thứ nhất không quá 60 tháng lương tối thiểu, hàng thứ hai là 45 tháng, hàng thứ ba là 36 tháng…

Quan điểm thứ ba lại nói khoản 2 Điều 610 BLDS nói khái niệm “xâm phạm tính mạng của người khác” hiểu là xâm phạm đến tính mạng một người chứ không phải nhiều người. Do đó, mức bồi thường trên được nhân lên theo số lượng người đã chết.

Tôi thống nhất theo quan điểm thứ ba. Trước hết, phải nhìn nhận sự đau khổ khi người thân chết khó có gì bù đắp được, vì vậy khoản tiền không quá 60 tháng lương tối thiểu chỉ phần nào bù đắp tổn thất tinh thần cho họ. Trong trường hợp cụ thể như chị A có con và chồng là anh B chết trong tai nạn giao thông thì sự đau khổ về tinh thần sẽ cao hơn. Vì vậy, mức bồi thường tổn thất tinh thần ở trường hợp nhiều người chết phải cao hơn mức một người chết.

Ngoài ra, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền tự định đoạt của đương sự. Ví dụ như trong vụ án trên, chị A có quyền yêu cầu người gây tai nạn bồi thường thiệt hại với cái chết của anh B. Tòa án phải giải quyết bồi thường trong trường hợp này là không quá 60 tháng lương tối thiểu. Sau khi giải quyết xong vụ án trên, chị A lại tiếp tục kiện người gây tai nạn yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với trường hợp của con chị. Căn cứ vào khoản 2 Điều 610 thì trường hợp này vẫn được xem xét theo mức không quá 60 tháng lương tối thiểu.

ANH TUẤN (TAND huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm