Nguồn tin chính thống sai, báo "gánh" đến đâu?

Trên hai số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh vụ Báo Đồng Nai bị kiện vì đăng tin theo sự cung cấp của cơ quan chức năng nhưng sau đó thông tin này bị xác định là không đúng. Vụ việc đặt ra một tình tiết pháp lý đáng chú ý: Trong trường hợp này, báo có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những hậu quả do bản tin gây ra hay không?

Xung quanh chuyện này đang có hai luồng quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng buộc báo chí phải cải chính, xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường là quá khắt khe và không hợp lý. Ngược lại, quan điểm thứ hai lập luận: Một khi đã quyết định đưa thông tin lên mặt báo thì báo phải chịu trách nhiệm về nội dung sản phẩm của mình.

Thông tin sai là phải chịu?

Một số chuyên gia pháp lý theo quan điểm thứ hai, đồng tình rằng khi báo chí thông tin sai, bất kể từ nguồn nào, nếu làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người khác thì việc cải chính, xin lỗi, bồi thường là đương nhiên nếu đương sự yêu cầu.

Theo luồng quan điểm này, dù báo chí lấy thông tin từ cơ quan có thẩm quyền và dẫn nguồn đầy đủ nhưng đó vẫn chỉ là một phía, một chiều. Báo phải tìm hiểu, xác minh thẩm tra thêm từ phía đương sự, từ các cơ quan liên quan để có thông tin nhiều chiều và khách quan hơn. Báo chí không thể tự “ru ngủ” mình, dựa dẫm “ỷ lại” vào thông tin “dọn sẵn” từ các cơ quan chức năng. Bởi không phải lúc nào thông tin đó cũng chính xác. Chưa kể quyền chọn lọc thông tin, đăng hay không đăng thông tin là quyền của báo... Khi đưa lên, thông tin có sức lan tỏa rộng...

Các ý kiến theo quan điểm này cũng cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm từ cơ quan đã cung cấp thông tin. Nếu họ chỉ cung cấp thông tin, không yêu cầu báo đăng mà báo chí tự quyết định đăng thì báo chí phải tự gánh chịu hậu quả. Còn nếu họ yêu cầu báo chí phải đăng tin này, tin kia... thì phải liên đới chịu trách nhiệm cùng với báo.

Không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm

Theo tôi, khi thực hiện hành vi chuyển tải thông tin từ cơ quan chức năng đến bạn đọc nếu bảo đảm tính trung thực, không bóp méo, suy diễn, thêm thắt, báo chí hoàn toàn không có lỗi. Một khi báo chí đưa thông tin được cơ quan có thẩm quyền cung cấp và đã dẫn nguồn rõ ràng, đầy đủ thì phải loại trừ trách nhiệm cho báo chí.

Thực tế không phải lúc nào báo chí cũng có thể thay thế các cơ quan chức năng nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm chứng thông tin được cơ quan chức năng cung cấp.

Chẳng hạn, báo chí đăng bản tin dự báo bão theo đài khí tượng thủy văn. Sau này bản tin dự báo đó được xác định là sai, làm người dân vùng bão gặp thiệt hại nặng nề vì họ tin tưởng vào bản tin dự báo nên không lường được để phòng ngừa. Nếu họ khởi kiện thì báo chí cũng phải xin lỗi, bồi thường ư? Ở đây, đài khí tượng thủy văn là cơ quan có chuyên môn nghiệp vụ, có máy móc thiết bị, là cơ quan có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin dự báo bão. Báo chí làm sao có điều kiện xác minh thông tin dự báo bão đó là đúng hay sai. Nếu không tin vào đài khí tượng thủy văn thì báo chí sẽ tin vào ai?

Tương tự, báo chí phản ánh về một người bị khởi tố về tội hiếp dâm với những tình tiết ban đầu do cơ quan điều tra cung cấp. Sau đó, người này được xác định là bị oan thì báo chí cũng sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã đăng thông tin theo diễn tiến ban đầu, theo sự cung cấp của cơ quan điều tra hay sao? Điều này thật vô lý! Làm sao báo chí có thể làm thay cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình điều tra tội phạm. Thông tin từ cơ quan điều tra không phải là căn cứ vững chắc thì đâu là căn cứ để báo chí thông tin trong những vụ án?

Còn nhớ trong vụ án Nguyễn Đức Chi, thông tin từ một cuộc họp báo công khai của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết trong quá trình điều tra, Chi khai đã chi 700 ngàn USD cho một số quan chức để “chạy dự án”. Các báo đưa thông tin này, có dẫn nguồn nhưng sau đó cơ quan tố tụng kết luận không có cơ sở xác định việc Chi đã chi tiền như đã khai. Như vậy chẳng lẽ việc báo chí thông tin đúng theo sự cung cấp chính thức của Tổng cục Cảnh sát trong một buổi họp báo công khai là có lỗi và phải chịu trách nhiệm?

Chỉ cần thông tin đầy đủ

Theo tôi, cần phải xem thông tin báo chí là một chuỗi thông tin liên tục, kéo dài, xuyên suốt. Báo chí làm nhiệm vụ chuyển tải thông tin từ cơ quan chức năng đến bạn đọc. Sau khi đưa thông tin ban đầu, nếu có kết luận khác từ cơ quan có thẩm quyền thì báo có trách nhiệm và nghĩa vụ đưa tiếp thông tin mới. Bản thân báo chí không có lỗi làm sai lệch thông tin thì không phải cải chính, xin lỗi và chịu trách nhiệm đối với hậu quả xảy ra.

Trở lại vụ Báo Đồng Nai bị kiện, ban đầu, theo sự cung cấp chính thức của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cùng báo cáo xác minh của Công an tỉnh, báo đăng tin ông N. làm giả hồ sơ người mẹ để được xét khen thưởng và công nhận là người có công. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang đặt nghi vấn với một hồ sơ khác do ông N. lập ra nhằm được xét công nhận cho người cha là liệt sĩ.

Đây chỉ là những thông tin, diễn tiến ban đầu của vụ việc được cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Sau đó, khi có kết luận của cơ quan chức năng rằng việc nhà nước công nhận cha ông N. là liệt sĩ và mẹ ông có công lao giúp đỡ cách mạng là đúng, báo cũng đã tiếp tục thông tin một cách trung thực kết luận, diễn tiến mới của vụ việc như trên.

Như vậy, theo tôi, báo đã hành xử một cách trung thực với thông tin mà mình được cung cấp chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Giả sử nếu báo thông tin không đúng với những gì được cung cấp, không thông tin tiếp khi có kết luận sau này của cơ quan chức năng báo mới phải cải chính, xin lỗi, chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung thông tin.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng trong những trường hợp tương tự, báo chí chỉ phải có trách nhiệm, có nghĩa vụ tiếp tục thông tin đầy đủ và trung thực những diễn tiến mới, kết luận mới của vụ việc theo nguồn tin chính thống. Buộc báo chí phải cải chính, xin lỗi, bồi thường là hoàn toàn không hợp lý.

Ông Huỳnh Dũng Nhân, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo:

Báo chí không trực tiếp tạo ra cái sai

Nguồn tin chính thống sai, báo "gánh" đến đâu? ảnh 1Ở góc độ một nhà báo, tôi thấy trong thực tiễn có nhiều tình huống, nguồn tin có thể cung cấp thông tin chưa chính xác hoặc chỉ chính xác tại một thời điểm nhưng báo chí vẫn có thể đưa tin. Chẳng hạn như thông tin khí tượng, nhiều nguồn tin mang tính dự báo. Lúc đầu báo chí có thể đưa tin đúng nhưng sau đó thời tiết đột ngột thay đổi thì cả nguồn tin và báo chí đều sai. Đây là những sai sót ngoài ý muốn. Hay có những trường hợp nguồn tin chỉ đúng trong thời điểm cụ thể lúc đó nhưng về sau lại sai. Báo chí khi đưa tin không thể lường được hết tính chất phức tạp của nó.

Đây không phải là lỗi cố ý nên theo tôi phải xem xét cái sai của báo chí ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, đó có phải sai là do cố ý hay do khách quan đem lại? Thứ hai, báo chí có phải là người trực tiếp tạo ra sai hay trực tiếp gây hậu quả? Thứ ba, khi báo đăng tin sai từ nguồn tin cung cấp sai thì phải xem xét chứ không phải vụ nào cũng giống như vụ nào. Bản chất của báo chí là phải đưa tin ngay khi nó xuất hiện trong khi nguồn tin ở một số ban ngành và quan chức đều có thể đưa sai.

Từ đó tôi cho rằng báo chí có những thông tin mà không phải lúc nào cũng có điều kiện kiểm chứng. Quan trọng là khi biết nguồn tin đã sai và đăng như vậy là có tác hại thì báo phải biết, sửa sai và tiếp tục đưa tin theo chiều hướng phát triển của sự việc. Bản chất của thông tin là cần phải được đưa tin.

Bác Hồ nói chỉ sợ nhất là không biết sửa sai. Vì thế trong vụ kiện Báo Đồng Nai, tòa cũng nên xem xét ở nhiều khía cạnh trước khi ra phán quyết.

Luật gia NGUYỄN BẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm