Quân đội có lực lượng 10.000 người tác chiến trên mạng

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 25-12.
Theo ông Nghĩa, sau 20 năm kể từ khi bước vào thế giới của Internet, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng Internet.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng sự phát triển của Internet có hai mặt. Ở mặt trái, các thế lực lợi dụng Internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói tại hội nghị. Ảnh: LONG HỒ

Ông Nghĩa cho biết chính vì điều đó, Quân ủy Trung ương xác định trong việc bảo vệ Tổ quốc thì quân đội vẫn là nòng cốt và “Tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng, thậm chí tác chiến trên vũ trụ” - ông nói.

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói Quân ủy Trung ương đã xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và sắp tới sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng.
“Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, hiện lực lượng này đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng này đang hoạt động rất tích cực, hiện có ở tất cả đơn vị cơ sở, mọi miền mọi lĩnh vực của quân đội.
Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo TP.HCM cho rằng Việt Nam đang gặp nhiều lúng túng trong việc đấu tranh trên không gian mạng. TP.HCM cũng đã có nhiều cố gắng, đấu tranh trong không gian mạng nhưng hiệu quả không cao. Do vậy, bà Thư cho rằng cần có sự quan tâm phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương, nhất là ngành tuyên giáo.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: LONG HỒ

Cũng quan tâm đến vấn đề này, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam.

“Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức” - ông Vượng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm