Sáng 23-11, Quốc hội (QH) thảo luận về Luật An ninh mạng. Dù đa số ý kiến đều đồng tình cần thiết phải có luật này nhưng những ý kiến trái chiều vẫn rất đáng để suy nghĩ.
Có nên ban hành luật mới?
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng trong 10 lý do mà Chính phủ cho rằng cần thiết để xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng thì có nhiều lý do chưa thuyết phục. Bởi những vấn đề đó đã có Luật An ninh quốc gia 2004, Luật An toàn thông tin mạng 2015 điều chỉnh. “Giả sử hai luật này còn bỏ sót những quy định nào đó liên quan đến việc bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng thì có thể rà soát để bổ sung, không cần ban hành thêm một luật mới” - ĐB Thúy nói.
Mặt khác, vẫn theo ĐB Thúy, việc ban hành Luật An ninh mạng trong khi đã có Luật An toàn thông tin mạng sẽ dẫn đến tình trạng một việc do hai cơ quan quản lý, vừa chồng chéo vừa có khả năng làm khó cho dân. Ví dụ, dự thảo Luật An ninh mạng quy định Bộ Công an thẩm định về năng lực, điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Trong khi đó khoản 1 Điều 44 Luật An toàn thông tin mạng quy định Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
“Như vậy, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu hai lần thẩm định năng lực, điều kiện kinh doanh bởi hai cơ quan quản lý khác nhau. Điều này không chỉ làm cho thủ tục hành chính cồng kềnh một cách phi lý mà còn dẫn đến tình trạng bế tắc nếu kết quả thẩm định và quyết định cấp giấy phép kinh doanh của hai cơ quan quản lý mâu thuẫn nhau” - ĐB Thúy nói.
Theo ĐB Thúy, an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng nên QH đã ban hành Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng. “Nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm chiếc khóa thứ ba. Tôi đề nghị QH cân nhắc hai khóa đã đủ chắc chắn chưa, nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa nhưng lại giao cho một người khác giữ chìa thì chắc hơn hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này” - ĐB Thúy nói.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng do luật đề ra có nhiều điểm tương tự Luật An toàn thông tin mạng. “Tôi xin đề xuất với QH nên bổ sung và hoàn chỉnh các đạo luật đã có” - ĐB Hiếu nói và thậm chí còn đề nghị tăng cường mức phạt như ở Đức lên đến 50 triệu euro với các tin tức giả.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì cho rằng cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh nhưng không vì lý do đó mà dự thảo Luật An ninh mạng phải ra đời. “Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, các “mưu đồ tấn công phá hoại hoặc đánh cắp dữ liệu thông tin có chủ đích”, ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì việc tách an toàn thông tin mạng và an ninh mạng là một việc dường như không có ý nghĩa lắm” - ĐB Nhân nói.
Luật An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, các biện pháp cần thiết… góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Bộ trưởng Bộ Công an Thượng tướng TÔ LÂM |
Băn khoăn về quy định đặt máy chủ
Trái với những ý kiến này, nhiều ĐB cho rằng Luật An ninh mạng là rất cần thiết và cần phải triển khai. ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) đề nghị phải có dự luật này để bảo vệ quyền hợp pháp của công dân. Bởi hiện nay thông tin trên không gian mạng có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh kinh tế và trên thực tế cũng đã có không ít thông tin trên mạng dẫn đến sự mất ổn định của thị trường chứng khoán. “Thời gian vừa qua, khi có thông tin cho là ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư phát triển, bị điều tra bắt giữ thì cũng ngay lập tức có tác động xấu đến thị trường chứng khoán” - ĐB Vảng dẫn chứng.
Tuy tán thành sự cần thiết nhưng ĐB Mùa A Vảng cũng băn khoăn về quy định đặt máy chủ tại Việt Nam. “Nếu quy định như dự thảo thì sẽ khó thực hiện được, nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ người dùng tại Việt Nam thì người dùng tại Việt Nam không thể sử dụng Google, Facebook với rất nhiều dịch vụ tiện ích. Điều này có thể làm kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số đang bùng nổ hiện nay” - ĐB Vảng nói và đề nghị ban soạn thảo hết sức cân nhắc.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cũng lo ngại quy định này sẽ trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cũng như những hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia. “Trong cam kết WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong Hiệp định tự do EU-Việt Nam cũng tương tự” - ĐB Thúy nói.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cũng nêu vấn đề: “Chúng ta có thể bắt ép các công ty đa quốc gia đặt máy chủ tại Việt Nam nhưng người ta không sử dụng hay sử dụng những công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được? Nếu chúng ta quản lý cứng nhắc thì hiệu quả không được bao nhiêu nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng” - ĐB Hiếu nói.
Cần nói ngôn ngữ quốc tế ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho biết ông là người có 30 năm nghiên cứu và công tác trong ngành công nghệ thông tin và mong muốn chia sẻ, phản biện với các ĐB để mọi người “có nhận thức giống nhau thì mới tranh luận được”. ĐB Dũng nói khái niệm là an ninh mạng và an toàn thông tin được sử dụng trong dự luật nhưng giới học thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã phân loại rất rõ theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17799 hay 17000. “Khái niệm về an ninh thông tin là khái niệm bao trùm nhất, trong đó kể cả các bản cứng và các thông tin trên mạng. Trong tập hợp này thì tập hợp con của nó là an ninh về không gian mạng, là một phần con của an ninh thông tin. Trong an ninh về không gian mạng thì tập hợp con của nó nữa là an ninh mạng. Mình hội nhập quốc tế nhưng mình dùng thuật ngữ không nhất quán với quốc tế thì làm sao mình có thể hợp tác với các tổ chức quốc tế được” - ĐB Dũng nói. Theo đó, ĐB Dũng đề nghị ban soạn thảo rà soát lại các luật cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về các khái niệm này để đưa vào luật cho đúng và giải thích cho các ĐB có thể hiểu rõ được khi tranh luận với nhau. |