Facebook, Google... rút, chuyện gì xảy ra?

Ngày 13-11 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự luật An ninh mạng. Điều mà công luận lo lắng là dự luật này quy định: “Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam (VN) phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia VN, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng VN trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN…”.

Thậm chí nhiều ý kiến lo ngại nếu những nội dung trên đi vào cuộc sống thì Google, YouTube, Facebook, Gmail, Skype, Viber... có thể chia tay VN và gây thiệt hại lớn cho DN lẫn người dùng.

Lo mất kết nối rẻ và hiệu quả

Anh Lê Thanh Tùng, chủ cửa hàng Forever (Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình) chuyên chụp ảnh đám cưới, trang điểm cô dâu, tỏ ra sửng sốt khi biết thông tin Facebook, Google, Gmail… có thể sẽ rời VN.

Anh Tùng cho biết hiện nay đại đa số khách hàng của anh đều dùng Facebook. “Đây là kênh kết nối khách hàng lớn và hiệu quả nhất. Bởi với một tài khoản Facebook thì ngoài chuyện kết nối với khách hàng, tôi còn có thể trưng bày sản phẩm. Facebook như một website thông tin DN rất sinh động” - anh Tùng nói.

Ngoài ra, vẫn theo anh Tùng, các tính năng giao tiếp của Facebook hiện nay cho phép anh và khách hàng có thể chat với nhau rất thuận tiện, thể hiện được cảm xúc, tạo sự thân thiện và tin tưởng ban đầu trước khi sử dụng dịch vụ.

“Nếu Facebook đóng cửa, chắc chắn tôi sẽ mất thời gian để tìm cách quảng bá sản phẩm, cửa hàng và dù có chuyển qua dịch vụ trực tuyến khác thì cũng mất cả chi phí, thời gian” - anh Tùng cho biết và nhấn mạnh Facebook đang giúp anh tạo dựng thương hiệu, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng.

ThS Nguyễn Thị Giang, Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học, cho hay Facebook đã trở thành một trong những kênh thông tin khoa học về trẻ khuyết tật ngôn ngữ.

Nhiều ý kiến lo ngại nếu những nội dung trên đi vào cuộc sống thì Google, YouTube, Facebook, Gmail, Skype, Viber... có thể chia tay VN. Ảnh: HTD

“Chúng tôi có một mục thông tin ở website của Viện Ngôn ngữ và một tài khoản Facebook riêng cho trung tâm. Thế nhưng giao tiếp và cung cấp thông tin thì chủ yếu là ở trang Facebook” - bà Giang cho biết.

Theo bà Giang, hầu hết phụ huynh có con bị khuyết tật ngôn ngữ tìm đến trung tâm đều sử dụng Facebook, Zalo và một số ứng dụng trực tuyến khác.

“Các vị phụ huynh thường trao đổi thông tin, nhờ tư vấn, đặt lịch đánh giá con em mình với chúng tôi qua Facebook và điều này rất thuận tiện” - bà Giang nói. Hơn nữa, theo bà Giang, không phải lúc nào các vị phụ huynh cũng có thể sử dụng điện thoại hay các phương tiện liên lạc khác vào giờ hành chính. Thường thì thông qua Facebook, phụ huynh sẽ trao đổi vào những giờ họ rảnh.

“Thậm chí cả ban đêm, khi con cái của họ ngủ rồi, họ mới lên mạng để tìm kiếm thông tin về trẻ em khuyết tật ngôn ngữ. Sau đó họ sẽ chat với chúng tôi để được tư vấn và giúp đỡ” - bà Giang cho hay.

Trả lời câu hỏi nếu Facebook đóng cửa tại VN thì trung tâm sẽ phải tính toán ra sao, bà Giang nói: “Chúng tôi chưa dám nghĩ tới điều này”.

Công cụ bán hàng, quảng cáo… hiệu quả

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nói hiện tại Facebook, Google… đều là những công cụ sản xuất, kinh doanh chính của giới kinh doanh. Nó cũng như thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ kỹ thuật.

Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0 thì các công cụ Facebook, Google… càng quan trọng, nhất là những đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu. Google và các tiện ích của nó được coi là công cụ kinh doanh quảng cáo, bán hàng, truyền thông, marketing tốt nhất cho nhà kinh doanh. Nó còn là nơi để DN thống kê dữ liệu, tìm kiếm thông tin cho các kế hoạch kinh doanh của DN.

Do vậy, nếu quy định trên được áp dụng thì DN sẽ bị thiệt hại, DN khởi nghiệp khó khăn, kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo.

VN hội nhập toàn cầu, mở cửa nền kinh tế thì cần mở thật sự, thế giới đã phẳng. Hơn nữa, đây là công cụ được toàn kinh tế thế giới chấp nhận, các nước trong khu vực đều mở thì không có lý do gì để VN phải đóng.

QUANG HUY 

Lỡ nhịp 4.0

Thật ra cho đến nay, cả Facebook và Google đều chưa tuyên bố gì về việc liệu họ có thể rút khỏi VN hay không. Bởi lẽ những quy định của pháp luật về vấn đề đặt máy chủ, cơ quan đại diện tại VN đối với các DN kinh doanh dịch vụ viễn thông vẫn chưa có hiệu lực.

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định nếu những quy định trong dự luật An ninh mạng thành hiện thực và Facebook, Google rút khỏi VN thì không có lợi cho sự phát triển, nhất là đối với những lĩnh vực liên quan mật thiết đến Internet, viễn thông như thương mại điện tử hay kinh tế số nói chung.

“Đặc biệt, nếu việc này xảy ra sẽ tác động không tốt tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà VN đang muốn dùng để bắt kịp các nước phát triển. Vì vậy, phải thật sự cân nhắc những vấn đề liên quan” - TS Thành nói.

TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ lo lắng và nhận định: Nếu được thông qua với những điều khoản không phù hợp, Luật An ninh mạng sẽ tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội, kể cả đầu tư nước ngoài trong thập niên cách mạng khoa học-công nghệ 4.0 và bùng nổ kết nối. Mặt khác, theo TS Lê Đăng Doanh, tác động tiêu cực về mặt quốc tế là không thể xem thường như vi phạm các cam kết đã được chính phủ VN ký kết.

Đương nhiên, theo TS Thành, vấn đề nào cũng như “hai mặt của một đồng xu” và “không gian mạng” không phải là ngoại lệ. TS Thành cho rằng những rủi ro trong không gian mạng, liên quan tới an ninh mạng không phải là không có công nghệ giải quyết, phòng ngừa, hạn chế những hành vi tiêu cực.

“Có lẽ chúng ta không nên có những áp đặt không phù hợp với sự phát triển của công nghệ. Bởi những quan hệ xã hội, kinh tế đang phụ thuộc vào môi trường mạng rất nhiều” - TS Thành nói.

Vả lại, nếu Facebook, Google rút khỏi VN, nếu muốn duy trì hoạt động, VN sẽ lại phải tốn nguồn lực để phát triển một hệ thống hạ tầng thông tin khác nếu muốn bắt kịp và tận dụng cuộc cách mạng 4.0 nói ở trên.

“Không thể phủ nhận những tác động tích cực liên quan đến thúc đẩy minh bạch, giải trình mà Internet nói riêng và công nghệ đã mang lại cho xã hội. Còn những nguy cơ trên môi trường mạng thì vẫn có thể dùng chính môi trường mạng để ngăn chặn” - TS Thành nhấn mạnh.

Máy chủ đặt ở đâu không có ý nghĩa

Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) mới đây đã gửi văn bản góp ý về dự luật An ninh mạng tới Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. VCCI cho rằng quy định về việc đặt máy chủ trên lãnh thổ VN như dự thảo Luật An ninh mạng là chưa phù hợp với tinh thần cam kết của VN trong TPP.

Giải thích thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, cho rằng ngoài việc quy định này chưa phù hợp với những cam kết quốc tế thì chưa rõ về mục tiêu chính sách khi yêu cầu đặt máy chủ tại VN là gì.

“Việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trên đó. Máy chủ đặt ở đâu cũng không có ý nghĩa gì về an ninh thông tin nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng yêu cầu chuẩn mực. Nếu các DN, tổ chức ở VN mà không được sử dụng những dịch vụ lưu trữ dữ liệu an toàn nhất để đặt dữ liệu (thường không có máy chủ ở VN) thì điều này còn tạo ra nguy cơ mất an ninh mạng cao hơn đối với DN, tổ chức, cá nhân VN” - ông Đức phân tích.

Thiệt hại là không thể đo đếm được

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group, cho rằng bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Internet là không biên giới và dù các DN Internet, viễn thông có đặt máy chủ ở đâu thì người dùng vẫn có thể truy cập được.

Thực ra Facebook và Google có thể không cần phải tuyên bố là có “chơi” với VN nữa hay không, bởi thực tế hiện nay thị trường VN vẫn mang về cho họ hàng trăm triệu USD/năm. Còn nếu một ngày nào đó, trong trường hợp xấu nhất, Facebook và Google không còn truy cập được ở VN nữa thì đương nhiên Google và Facebook sẽ mất đi thị trường VN.

Về phía VN, những dịch vụ văn minh của Google, Facebook và các dịch vụ trực tuyến khác người VN sẽ không sử dụng được nữa. Thiệt hại là không thể đo đếm được, nhất là trong bối cảnh hiện tại người dùng VN không có sự lựa chọn tương ứng. Tức là chưa có DN VN nào đủ mạnh để thay thế Google, Facebook. Điều này khác với Trung Quốc, thay Google, Facebook họ đã có những ông lớn đủ mạnh để cạnh tranh như Baidu.

“Vả lại, một khía cạnh khác cũng cần tính đến. Giả sử trong trường hợp xấu nhất, Google, Facebook không tuân thủ quy định như trong dự luật An ninh mạng thì có thể các DN Trung Quốc như Baidu sẽ tuân thủ quy định này và chiếm lĩnh thị trường VN” - ông Bình cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm