Tháng 5-2017, khi thăm Việt Nam, ông Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google), cho biết chúng ta đứng thứ hai thế giới về số người dùng mạng xã hội video YouTube, chủ yếu là để giải trí và học tập. Còn theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng Internet, chiếm 53% dân số.
Các con số cho thấy Internet nói chung và các dịch vụ Internet, các mạng truyền thông xã hội nói riêng đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Chúng đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống từ thành thị tới nông thôn, khắp các ngõ hẻm xóm thôn.
Đó là lý do vì sao những này qua người dân nói nhiều đến khoản 4 Điều 34 của dự thảo Luật An ninh mạng với quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Thực tế thì nước nào cũng có chủ quyền lãnh thổ và muốn quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh của nước ngoài trên lãnh thổ nước mình. Cho nên ở khía cạnh nào đó, tôi nghĩ việc cần phải xin phép hoạt động và có đại diện ở Việt Nam là điều có thể chấp nhận được. Nhưng điều kiện phải hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không trực tiếp mở văn phòng, họ có thể thông qua một đối tác ở Việt Nam để có đầu mối liên lạc và trói buộc trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Nhưng không đồng nghĩa với việc họ chấp nhận để Việt Nam kiểm soát cơ sở dữ liệu của mình.
Đầu tháng 11-2017, dựa trên ý kiến của doanh nghiệp và giới chuyên môn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội góp ý với dự thảo luật, trong đó có quy định trên.
Cụ thể, trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không bị hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể. Cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng có nội dung tương tự. Ngay cả trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam ký kết tháng 2-2016, Chương Thương mại điện tử, khoản 2 Điều 14.13 (địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin) cũng quy định: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình nhằm xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”. Do đó, quy định trên đã trái với các điều ước quốc tế quan trọng mà Việt Nam đã ký.
Tôi nghĩ, thứ nhất thay vì là một điều kiện bắt buộc mang tính hành chính áp đặt thì chúng ta nên để cho doanh nghiệp nước ngoài quyết định đặt máy chủ ở đâu theo nhu cầu kinh doanh của họ. Nhà nước chỉ cần buộc họ phải hợp tác cung cấp dữ liệu khi cần thiết và phù hợp luật pháp quốc tế.
Thứ hai, hiện hoạt động Internet ở Việt Nam đang được chi phối bởi nhiều luật định, văn bản pháp quy. Vì thế, thay vì soạn thảo một luật thì chỉ cần đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các luật hiện hành cho tốt hơn.
Thứ ba, không nên quy định theo hướng để cộng đồng quốc tế cho rằng nhà nước bảo hộ doanh nghiệp trong nước khi dùng rào cản pháp lý để làm khó các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực.
Thứ tư, cần coi các nhà cung cấp dịch vụ như những phương tiện, công cụ công nghệ. Quản lý các vấn đề công nghệ phải bằng các biện pháp công nghệ chứ không phải biện pháp hành chính.