Sửa quy định để “siết” giá cước taxi

“Hiện nhiều đơn vị vận tải vẫn chưa giảm giá cước phù hợp với giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua. Liên bộ Tài chính và GTVT đang xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch 152/2014 về thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô để các cơ quan quản lý điều hành tốt hơn giá cước vận tải khi có biến động về giá nhiên liệu”. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM.

“Chây ỳ” giảm giá cước

. Phóng viên: Vừa qua giá xăng dầu liên tục giảm, đặc biệt ngày 18-2, giá giảm sâu nhưng nhiều hãng xe không giảm giá cước hoặc giảm chiếu lệ, đặc biệt là các hãng taxi. Vậy Bộ GTVT đã có các biện pháp quản lý giá cước như thế nào, thưa ông?

+ Ông Trần Bảo Ngọc: Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai, niêm yết và giảm giá cước phù hợp với giá xăng dầu giảm. Ngoài ra, cả 63 tỉnh, thành cũng có văn bản chỉ đạo và nhiều đơn vị vận tải đã giảm giá cước phù hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị chưa giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành đôn đốc, yêu cầu họ điều chỉnh giá cước cho phù hợp.

. Vậy chế tài nào để hạn chế tình trạng không giảm, chần chừ hay giảm ít?

+ Theo Điều 15 Luật Giá, giá cước xe đò, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Giá cước này hình thành trên cơ sở cung cầu nhưng doanh nghiệp phải kê khai và Nhà nước kiểm soát nhằm đảm bảo mức cước phù hợp.

Cần khẳng định việc giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm là trách nhiệm, đạo đức và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải.

Nhà nước có các chế tài điều tiết giá cước, như các vi phạm về việc kê khai giá cước; công khai thông tin hoặc tăng giảm giá bất hợp lý thì sẽ bị chế tài. Cụ thể, Nghị định 109/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá) và Nghị định 171/2013 (xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông) thì việc không đăng ký, niêm yết giá có thể bị phạt (1,5 triệu đồng - NV).

Theo Nghị định 109/2013, hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý cũng bị coi là vi phạm và bị xử phạt (với mức thấp nhất là 1 triệu đồng - NV). Ngoài ra, theo Điều 28 Nghị định 171/2013, các xe không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết và giá cước còn bị tước phù hiệu (tức bị tạm đình chỉ hoạt động) một tháng và phải hoàn trả cho khách số tiền cước thu quá quy định.

Cước vận tải tự động giảm theo giá xăng dầu

Tới đây, các nhà xe phải kịp thời giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm giá nhiên liệu. Ảnh: HTD.

. Có biện pháp nào hiệu quả hơn ngoài việc chỉ kiểm tra đôn đốc, buộc giảm cước?

+ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 152/2014 đã bổ sung chế tài yêu cầu các nhà xe phải kịp thời giảm cước phù hợp với diễn biến giảm giá nhiên liệu. Theo đó, khi giá nhiên liệu giảm từ 20% trở lên thì tối đa sau năm ngày, nhà xe phải kê khai hoặc thông báo giá cho phù hợp. Việc này cũng tạo cho doanh nghiệp chủ động rà soát tính toán mà không nhất thiết phải kê khai lại giá cước nhiều lần, tiết kiệm được chi phí in lại giá vé, chi phí kiểm định lại đồng hồ taxi…

. Có vẻ công tác kiểm tra phát hiện các hãng xe giảm giá nhỏ giọt, lợi dụng tăng cước chưa thật sự hiệu quả, nhiều nhà xe vẫn cứ vi phạm. Vậy Bộ GTVT sẽ làm gì để giá cước vận tải thực sự cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho hành khách, thưa ông?

+ Việc công khai giá cước đã được quy định tại các Nghị định 109/2013 và Nghị định 171/2013. Thời gian qua, liên Bộ GTVT, Tài chính và Thanh tra các Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các nhà xe, ngoài việc hoàn thiện các quy phạm, Bộ GTVT đang thực hiện các giải pháp đồng bộ dài hạn. Cụ thể, khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ để giảm giá thành vận tải như việc triển khai sàn giao dịch vận tải đường bộ, ứng dụng Grab… Việc này cũng góp phần để các đơn vị vận tải điều chỉnh giá cho phù hợp, nhất là khi giá nhiên liệu giảm.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng thực hiện tái cơ cấu vận tải, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Có thể ví dụ như các đơn vị vận tải đường bộ sẽ không chỉ phải nâng cao chất lượng, giảm giá cước để cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với ngành đường sắt, hàng không hay đường thủy. Thực tế hiện nay giá vé vận tải hành khách hàng không đang rất cạnh tranh so với vận tải đường bộ và đường sắt.

. Xin cám ơn ông.■

Tiêu điểm

Các hãng hàng không cam kết trong năm 2016 tiếp tục mở bán nhiều vé giá rẻ và đưa thêm nhiều chương trình khuyến mãi.

Năm 2015, Bộ GTVT và Bộ Tài chính lập đoàn kiểm tra giá cước vận tải hàng không. Theo đó, tất cả hãng hàng không đã giảm giá. Trong đó, Vietnam Airlines giảm từ 9% đến 80% so với giá trần quy định, VietjetAir và Jetstar Pacific Airlines giảm từ 9% đến 100% so với giá trần quy định. Năm 2015, cơ cấu giá vé khuyến mãi từ 0 đồng của Vietjet tăng 3,87 lần, giá vé trung bình giảm 8% so với năm 2014. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm