Sung công nửa chiếc xe trộm gà

Ngày 23-8-2010, Nguyễn Văn Thạnh rủ bạn đi trộm gà về nhậu. Đến một nhà dân, Thạnh dừng xe ngoài sân rồi cùng bạn đi bộ vào nhà sau bắt hai con gà mái. Chưa kịp mang đi, cả hai bị bắt quả tang...

Tòa nói sung công, viện bảo trả lại

Dù hai con gà trị giá chỉ 340.000 đồng (tài sản trộm dưới 2 triệu đồng) nhưng do Thạnh đã có tiền án, chưa được xóa nên bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Xử sơ thẩm mới đây, tòa và viện thống nhất về tội danh và hình phạt của bị cáo. Theo đó, TAND huyện Phú Hòa (Phú Yên) tuyên phạt Thạnh sáu tháng tù...

Riêng phần xử lý chiếc xe, giữa tòa và viện lại không thống nhất. Công tố viên đề nghị trả chiếc xe này cho vợ Thạnh - người đứng tên chủ sở hữu. Theo công tố viên, chiếc xe này không phải là phương tiện mà bị cáo Thạnh trực tiếp sử dụng để phạm tội. Cụ thể, Thạnh dựng xe ở ngoài sân rồi mới đi bộ ra nhà sau trộm gà. Do đó, không cần phải tịch thu chiếc xe sung quỹ.

Tuy nhiên, theo HĐXX chiếc xe này là phương tiện mà bị cáo Thạnh dùng để phạm tội. Chiếc xe được vợ chồng Thạnh mua nên là tài sản chung, mỗi người sở hữu một nửa giá trị xe. Vợ Thạnh không biết chồng dùng xe đi trộm gà nên tòa quyết định tịch thu sung công phần sở hữu xe của bị cáo.

Sung công nửa chiếc xe trộm gà ảnh 1

Chưa có hướng dẫn

Từ vụ án này đã nảy sinh nhiều tranh cãi thế nào là phương tiện, công cụ dùng vào việc phạm tội. Một quan điểm đồng tình với viện cho rằng bị cáo trực tiếp dùng xe để bắt trộm gà như đang ngồi trên xe, chạy xe lùa gà để bắt thì mới có thể coi nó là phương tiện phạm tội. Ở đây, bị cáo đã xuống xe, đi vào trong bắt gà nên chiếc xe không có vai trò gì trong việc phạm tội này của bị cáo.

Một quan điểm khác lại bảo, tòa tuyên như trên là hợp lý. Bất kỳ phương tiện, công cụ nào mà người phạm tội sử dụng trong suốt cả quá trình thực hiện tội phạm đều là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Thạnh đã chạy xe đi bắt gà, dù lúc bắt Thạnh không ngồi trên xe máy nhưng nó đã giúp bị cáo đi đến nơi phạm tội. Do đó, phải tịch thu sung công phần giá trị xe mà bị cáo sở hữu.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM còn cho biết, có thêm một quan điểm là những phương tiện, công cụ chuyên sử dụng cho việc phạm tội như xe chuyên chở hàng lậu sẽ được coi là công cụ, phương tiện dùng để phạm tội. Còn những xe thường để đi lại bỗng nhiên hôm đó chở heroin... thì không coi là phương tiện phạm tội nên không thể tịch thu.

Điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS quy định việc tịch thu sung quỹ Nhà nước được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội… Tuy nhiên, hiện đang thiếu hướng dẫn nên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau như trên.

Thiết nghĩ việc xác định đúng công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là rất quan trọng, không chỉ để xem xét tịch thu hay không tịch thu sung quỹ Nhà nước mà còn là những chứng cứ xác định hành vi phạm tội, tính chất, mức độ phạm tội. Đây cũng là một trong những cơ sở để định khung hình phạt, quyết định mức án trong một số trường hợp. Bởi vậy rất cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Không phải là phương tiện dùng để phạm tội

Theo tôi, không thể xác định chiếc xe sử dụng trong vụ án này là phương tiện sử dụng để phạm tội. Việc tòa sơ thẩm xác định chiếc xe là phương tiện phạm tội là quá cứng nhắc. Trong vụ án cướp giật, chiếc xe có khả năng được xác định là phương tiện để bị cáo sử dụng trực tiếp phạm tội. Còn trong vụ này, không có xe, Thạnh và bạn vẫn đi trộm gà để nhậu. Chưa kể Thạnh còn bỏ xe trước sân để đi bộ vào nhà sau bắt trộm...

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm