Thanh Hóa thuyết phục Bộ Công an cho xài 'súng bắn bùi nhùi'

Có nhiều ý kiến của người dân xung quanh câu chuyện CSGT TP Thanh Hóa sử dụng bùi nhùi lưới để bắt quái xế, những người đi xe lạng lách, đánh võng.  Một số ý kiến cho rằng nếu bắt 1.000 trường hợp an toàn nhưng chỉ cần một trường hợp vi phạm bị tai nạn thì họ có quyền kiện ngược lại CSGT. 

Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Trung tá Lê Hồng Thái, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa, về vấn đề này. 

CSGT Thanh Hóa sử dụng bùi nhùi lưới như một công cụ hiệu quả bắt quái xế, những người lạng lách, đánh võng, cố tình vi phạm. Ảnh: Đ.TRUNG

Không sử dụng ống phóng bùi nhùi tất cả trường hợp vi phạm

. Phóng viên:Thưa ông, sau năm năm, thời gian vừa qua CSGT Thanh Hóa đã áp dụng lại việc sử dụng bùi nhùi lưới, ống phóng bùi nhùi để ngăn chặn người cố tình vi phạm, lạng lách, đánh võng, thậm chí là đua xe. Cơ sở nào CSGT Thanh Hóa áp dụng trở lại?

+ Trung tá Lê Hồng Thái: Trước đây tại TP Thanh Hóa, các vấn đề về trật tự an toàn giao thông, lạng lách, đánh võng, kể cả những tội phạm manh động có diễn biến phức tạp gây ra nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông. CSGT TP Thanh Hóa đã có sáng kiến dùng bùi nhùi lưới để bắt người vi phạm. Theo đó, bùi nhùi lưới được ném vào bánh sau của xe máy, khi đó bùi nhùi cuốn vào may-ơ khiến cho chiếc xe máy chạy chậm lại và dừng hẳn.

Ngay sau khi sử dụng phương án này thì thấy rõ hiệu quả khả quan và đặc biệt rất an toàn cho cả người thực thi, người dân tham gia giao thông, kể cả người cố tình vi phạm giao thông.

Cũng trong khoảng thời từ năm 2010 đến 2013, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn đã giảm hẳn. Tình trạng thanh thiếu niên đua xe, lạng lách, đánh võng không còn phức tạp.

Sáng kiến này, lúc đầu sử dụng bằng tay và ném các bùi bùi vào bánh xe sau của xe. Theo đánh giá của đơn vị thực hiện, một là tầm ném ngắn, độ chính xác vào được bánh xe thấp và muốn áp dụng sáng kiến này thì người thực hiện phải áp sát lại gần mới có thể thực hiện được. 

Từ năm 2013 cho đến nay, CSGT TP Thanh Hóa phối hợp với Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng) để sáng chế một loại ống phóng bùi nhùi. Và ống phóng này được Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa thẩm định về các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu về tính chính xác và tính an toàn của bùi nhùi lưới cho cả người tham gia giao thông và cả người thi hành công vụ.

Gần đây CSGT TP Thanh Hóa lại áp dụng trở lại, đã xử lý gần 200 trường hợp cố tình vi phạm giao thông. Và ngay trong những lần ra quân sử dụng bùi nhùi lưới, CSGT đã phát hiện nhiều người vi phạm sử dụng súng, ma túy và cả vũ khí nóng khác.

. Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định trường hợp nào thì CSGT mới được sử dụng ống phóng bùi nhùi, tránh những trường hợp vi phạm bình thường cũng sử dụng ống phóng sẽ khiến người dân bất bình?

+ Chỉ sử dụng ống phóng bùi nhùi với những thanh thiếu niên có hành vi lạng lách, đánh võng, cố tình vi phạm, chống người thi hành công vụ hoặc các đối tượng có nghi vấn hoạt động phạm tội. 

Ống phóng bùi nhùi lưới sẽ được báo cáo với Cục CSGT qua các clip thực nghiệm trước khi trở thành công cụ hỗ trợ của CSGT. Ảnh: Đ. TRUNG

Từ đây mới có thể tạo nên sự đồng thuận từ phía người dân, người tham gia giao thông cũng như chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện giảm thiểu vi phạm giao thông trên địa bàn. Đặc biệt hơn nữa, việc sử dụng ống phóng bùi nhùi tránh áp dụng đại trà vì có thể gây phản cảm trong dư luận cũng như người dân.

Cục CSGT đang xem xét việc đưa ống phóng bùi nhùi thành công cụ hỗ trợ

. Thưa ông, việc xác định được tính hiệu quả của việc sử dụng bùi nhùi lưới đối với các đối tượng cụ thể như đã nêu, thì CSGT TP Thanh Hóa có kiến nghị gì đối với Cục CSGT và Bộ Công an sớm đưa bùi nhùi trở thành một công cụ hỗ trợ cho CSGT;  tránh trường hợp là bắt hàng ngàn trường hợp vi phạm nhưng chỉ cần một trường hợp xảy ra tai nạn thì CSGT sẽ gặp rắc rối?

+ Việc áp dụng bùi nhùi lưới đến nay đã một quá trình, thời gian dài, đồng thời đã xác định được tính hiệu quả cao của nó. Vì thế CSGT TP. Thanh Hóa đã ứng dụng thử nghiệm trở lại với bùi nhùi lưới. Điều này đã được Công an tỉnh cho phép Công an TP. Thanh Hóa thực hiện và quá trình thực nghiệm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, được người dân và chính quyền địa phương các cấp hết sức ủng hộ.

Tuy rằng, ống phóng bùi nhùi lưới hiện nay vẫn chưa được xem xét như một công cụ hỗ trợ của CSGT trong quá trình bắt giữ các đối tượng cố tình vi phạm khi tham gia giao thông. Để sử dụng hiệu quả và đúng với quy định của pháp luật, Phòng CSGT Thanh Hóa đã có đề xuất với Cục CSGT, Bộ Công an và báo cáo với Bộ Công an sớm đưa ống phóng bùi nhùi vào danh mục công cụ hỗ trợ của CSGT trong việc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Trung tá Lê Hồng Thái cho biết toàn bộ quá trình áp dụng, thực nghiệm sẽ được CSGT Thanh Hóa báo cáo tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Cục CSGT (Bộ Công an). Ảnh: Đ.TRUNG

Hiện nay, Cục CSGT (Bộ Công an) đã nhận được báo cáo và có yêu cầu CSGT Thanh Hóa báo cáo rõ hơn nữa trong đợt sơ kết sáu tháng đầu năm của hoạt động CSGT toàn quốc tới đây vào tháng 7.

Tại hội nghị sơ kết này, CSGT sẽ có báo cáo cụ thể qua clip thực nghiệm, quy trình sử dụng, áp dụng đối với ống phóng bùi nhùi để CSGT các địa phương nắm được tính hiệu quả của quá trình sử dụng này.

Chúng tôi cũng muốn giới thiệu ống phóng bùi nhùi để các địa phương nắm bắt, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến để Cục CSGT tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến để đưa ra giải pháp cụ thể...

CSGT Thanh Hóa cũng mong muốn Bộ Công an sớm đưa ống phóng bùi nhùi trở thành công cụ hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm