Cuộc chiến đối với tham nhũng không thể có hiệu quả thành công nếu như chúng ta chỉ dừng lại ở những sự hô hào và kêu gọi sự nâng cao đạo đức, mà còn phải có biện pháp cụ thể khác toàn diện hơn. Chúng ta phải nhìn tham nhũng như một bệnh dịch lây nhiễm và phải chống nó như phương pháp của việc phòng, chống bệnh dịch. Đó là phải tiêm vaccine cho mọi người, phải khoanh vùng tham nhũng và phải làm sạch môi trường.
Tại sao phải nhìn nhận tham nhũng như là một bệnh dịch? Câu hỏi này đã được J. Madison trả lời rất rõ trong những bài bình luận Hiến pháp Mỹ để phản lại những lập luận chống lại dự thảo Hiến pháp Mỹ, ông cho rằng: Chính phủ không phải là những thiên thần, mà là những con người phải có trách nhiệm quản lý con người. Họ có hai việc cần phải làm: Thứ nhất, phải quản lý được con người và thứ hai, phải quản lý lại chính bản thân mình.
Vì vậy quyền lực cần phải được phân ra theo kiểu: Tham vọng phải được chống lại bằng tham vọng. Con người với bản chất là đam mê quyền lực hay có xu hướng lạm quyền, quyền lực tuyệt đối luôn có xu hướng đồi bại tuyệt đối. Phòng và chống tham nhũng phải được quy định trong hiến pháp. Theo Montesquieu, trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” viết rằng: “Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn”. Vấn đề là phải đặt ra giới hạn cho quyền lực. Và phân quyền chính là nhằm mục đích giới hạn quyền lực. Bởi vì “quyền lực ngăn chặn quyền lực” là để quyền lực không nằm trọn trong một bàn tay.
Theo cách tiếp cận của bệnh dịch bao giờ phòng cũng hơn là chống, phòng tốt thì bao giờ cũng rẻ và tốt hơn chống. Tham nhũng cũng vậy, phòng quan trọng hơn chống vì chống thì tốn kém và mệt hơn rất nhiều. Nếu không có sự phòng ngừa bằng cơ chế phòng bệnh dịch nhờ sự “tiêm chủng” vaccine thì không có biện pháp hữu hiệu nào có thể ngăn ngừa được tham nhũng.
Hiến pháp năm 2013 không những tái khẳng định nguyên tắc phân công, phân nhiệm giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà còn khẳng định thêm nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực chính là chống tham nhũng.
Hiến pháp năm 2013 không những giữ nguyên những thành công đáng ghi nhận đó mà còn khẳng định rõ ràng hơn quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ và quyền tư pháp do các tòa án thực hiện và đã ghi nhận thêm quyền kiểm soát các quyền lực nhà nước, khi thực hiện sự phân công, phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2).
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ ràng các thiết chế thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp của mình. Đây có thể nói là một dạng vaccine phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
Kiểm soát quyền lực nhà nước để phòng, chống tham nhũng không chỉ tập trung ở bên trong, mà còn phải được diễn ra ở bên ngoài nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài do báo chí, dư luận xã hội các tổ chức xã hội của bên ngoài thực hiện là rất cần thiết cho công cuộc chống tham nhũng.
Hiến pháp Việt Nam đã từng bước ghi nhận những hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền, được quy định thành phân công và phân nhiệm, kiểm soát quyền lực nhà nước, bằng trách nhiệm phản biện của Mặt trận Tổ quốc đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh việc phải tiêm “vaccine” cho mọi thành viên xã hội là việc làm sạch môi trường bằng hoạt động công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và của công chức, viên chức, đặc biệt là những người có vị trí lãnh đạo kết hợp xử lý nghiêm khi phát hiện tham nhũng. Ngoài ra, quyền tiếp cận thông tin của người dân cần được tăng cường và càng phải được hoàn thiện bằng các quy định của pháp luật về nội dung này.