Thanh tra CP sẽ kiểm soát tài sản của 6.000 quan chức?

 Trong phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đối với dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi) mới đây (ngày 5-3), một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay: “Việc quy định về hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên quản lý bản kê khai thu nhập, tài sản là rất cần thiết”.

Từ nhận định này, Chính phủ đề xuất giao hệ thống cơ quan thanh tra thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Đề xuất này cũng gây tranh luận nhiều chiều.

Dự kiến Thanh tra Chính phủ phải bung 1/3 công suất

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan ở trung ương và địa phương. Cùng đó là người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ cán bộ, công chức không giữ chức vụ quản lý.

Thanh tra bộ hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị đó trừ những đối tượng do Thanh tra Chính phủ kiểm soát và cán bộ, công chức không giữ chức vụ quản lý.

Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã trừ những đối tượng do Thanh tra Chính phủ kiểm soát và cán bộ, công chức không giữ chức vụ quản lý.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Nếu thực hiện, chúng tôi đề xuất ngành thanh tra phải chuyển phần lớn lực lượng để làm việc này”.

Ông Thanh cũng cho hay khi đó phần thanh tra kinh tế-xã hội hiện nay chiếm 1/2 công sức của ngành thanh tra thì phải giảm đi như thanh tra các vụ việc, các dự án. Phần việc này, Kiểm toán Nhà nước sẽ đảm nhiệm. Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh chỉ thanh tra những vụ việc quan trọng mà Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thấy cần thiết phải làm rõ.

“Dự kiến hơn 1/3 công suất của Thanh tra Chính phủ phải dành cho việc kiểm soát tài sản thu nhập của 6.000 người. Điều này sẽ tạo ra sự biến đổi trong hoạt động của toàn lực lượng” - ông Thanh cho biết.

“Xông” vào kiểm tra cơ quan tư pháp, dân cử được không?

Tại phiên thẩm tra này, đề xuất trên gây ra nhiều tranh cãi.

“Nếu dưới góc độ kiểm soát quyền lực, tôi tán thành phương án như dự thảo, nó phá bế tắc trong thực tiễn hiện nay và phá vỡ thế “khép kín”, tự anh quản lý và kiểm soát...” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nói và bác bỏ những quan ngại cho rằng vì sao cơ quan hành pháp lại kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của các cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp...

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Văn Khánh cho rằng quy định như dự thảo “không có tính khả thi, không đáp ứng được thực tiễn đặt ra”.

“Khối hành pháp có thể giao cho thanh tra nhưng khối tư pháp-tòa án thì thế nào?” - ông Khánh đặt câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng nếu quyết tâm giao cho thanh tra cũng có những lợi thế nhất định, như tập trung vào một đầu mối, có cơ quan quản lý, sau này có hệ thống dữ liệu nữa thì có đầu mối tập trung phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, ông Hồng cũng băn khoăn về tính khả thi vì nếu giao việc này, ngành thanh tra phải huy động 1/3 nguồn lực làm công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo tờ trình của Chính phủ, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là thiếu bộ máy quản lý bản kê khai và sử dụng các thông tin, dữ liệu có được nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của cán bộ. 

Khoảng trống nằm ở đâu?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng lựa chọn mô hình nào phải trên cơ sở đánh giá kỹ tổng kết thực tiễn. Từ đó xác định tồn tại, hạn chế do quy định của luật không đúng hay do tổ chức thực hiện.

Bà Thủy nêu ba con số đáng chú ý qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN: Mỗi năm chúng ta có hơn một triệu bản kê khai; trong 10 năm chúng ta xác minh được 4.589 trường hợp và trong số này phát hiện 17 trường hợp kê khai không đúng.

“Mỗi năm chỉ xác minh được khoảng 500 trường hợp và chỉ phát hiện được khoảng 17 người kê khai không đúng. Nguyên nhân do đâu, do không có bộ máy chuyên trách làm, anh em không có nghiệp vụ hay do vấn đề tổ chức thực hiện? Từ những thông tin có được, chúng tôi thấy việc xác minh được ít, phát hiện được ít trường hợp kê khai không đúng không phải do chúng ta không có bộ máy chuyên trách cũng như không phải do không có đội ngũ cán bộ có đủ nghiệp vụ” - bà Thủy nhận xét.

Theo bà Thủy, vấn đề ở đây là luật hiện hành có “khoảng trống” là thiếu một quy định bảo đảm có một cơ sở dữ liệu để quản lý thống nhất tài sản của cán bộ, công chức thuộc đối tượng công khai. Khi sửa luật cần quy định vấn đề này và giao cho một cơ quan có trách nhiệm làm đầu mối quản lý cơ sở dữ liệu.

Ông Nguyễn Công Hồng đồng tình với đề xuất trên và bổ sung nên giao cho cơ quan thanh tra có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan chuyên ngành như cơ quan thuế, kiểm toán xác minh vấn đề này, vấn đề kia. Cơ quan thanh tra chỉ là cơ quan tập hợp lại, đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng.

Ông Nguyễn Văn Khánh thì đề xuất giao cho thanh tra ở các cơ quan khác nhau (lập pháp, hành pháp, tư pháp) thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Đặc biệt, đối với các lực lượng vũ trang cần có nghiên cứu vì nếu thanh tra cấp bộ sẽ rất khó vào các quân chủng, quân đoàn để kiểm soát thu nhập.

Kiểm soát quyền lực

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật phân tích: “Hệ thống quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp để thực hiện quyền lực được phân hợp pháp. Giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCTN. Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thì đây là vấn đề phân công để thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực khách quan hơn, hiệu quả hơn...”.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà bổ sung: “Chúng ta cũng coi cơ quan thanh tra giống như cơ quan điều tra, sao chúng ta lại ngăn chặn cơ quan thanh tra vào thanh tra cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp, lực lượng vũ trang nếu như có sự vi phạm?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm