Ngày 4-1, hội nghị lần thứ 13 Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII đã diễn ra tại TP.HCM. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tinh gọn bộ máy và chống tham nhũng là những vấn đề được các đại biểu tập trung bàn thảo.
Phải chỉnh đốn liên tục
Góp ý về công tác xây dựng Đảng, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận định tình hình mấy năm trước khiến dân lo lắng nhiều nhưng năm nay đã tích cực hơn, khởi sắc hơn, thể hiện được lòng tin của dân với Đảng.
Ông Duyệt cho rằng chúng ta không nên hài lòng với hiện tại khi đời sống của người dân được nâng lên. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phát triển hơn, không thể để yếu kém so với các nước trong khu vực, không thể thua kém các nước trên thế giới. Tất nhiên cần thời gian nhưng rõ ràng bước đầu đã có cố gắng.
Để làm được điều đó, ông Duyệt cho rằng khâu tuyển chọn cán bộ quyết định sự thành công. Theo đó, cần phải mạnh dạn đưa người giỏi vào làm việc. “Bác Hồ nhìn thấy cán bộ giỏi ở ngoài Đảng liền đưa vào bộ máy. Ông Nguyễn Văn Huyên 29 năm làm bộ trưởng Giáo dục không phải là đảng viên. Không phải cứ đảng viên mới đào tạo được đâu. Cách suy nghĩ nếu cứ hạn hẹp như thời gian trước hoặc cứ dừng ở mức nhận thức như hiện nay, tôi chắc rằng chưa thể đưa đất nước đi lên” - ông Duyệt nói và cho rằng muốn làm được điều này cần phải chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ.
Theo ông Duyệt, một trong những nguyên nhân của tham nhũng là do không kiểm soát được quyền lực và không xây dựng, chỉnh đốn một cách liên tục.
“Cái gì chỉnh đốn được thì tiếp tục chỉnh đốn đi, giảm được cái gì thì giảm bớt đi. Đừng quan cách quá, Đảng mà xa dân thì khổ lắm, cái đó hết sức bất lợi” - ông Duyệt trăn trở.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị ngày 4-1. Ảnh: THANH TUYỀN
Để dân giám sát tài sản cán bộ
Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân tộc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng trong chống tham nhũng phải làm sao phát động được toàn dân cùng tham gia mới hiệu quả được. “Chứ chúng ta chỉ chống với nhau thì không có ăn thua đâu. Đã đến lúc chúng ta phải dựa vào người dân. Phải đề cao vai trò của người dân, để dân biết và giám sát” - ông Lù Văn Que nói và cho rằng để dân giám sát thì phải có cơ chế.
“Đi kiểm tra, kiểm kê tài sản thì phải công khai, không để tình trạng cán bộ kê khai nhưng chỉ có tổ chức biết với nhau” - ông Que nói.
Ông Que cũng cho rằng phải trị được bệnh lạm quyền, kiểm soát được quyền lực của những người có chức quyền thì mới có thể chống được tham nhũng.
Ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng năm nào tổng kết cũng đánh giá tham nhũng được đẩy lùi. “Thế tại sao tham nhũng lại tràn lan như thế? Giờ đụng vào đâu cũng có chuyện, mà chuyện không phải là chuyện nhỏ nữa, chuyện sai phạm trăm tỉ, nghìn tỉ” - ông Núi nói và cho rằng phải xử lý tới nơi tới chốn các tập đoàn, những nhóm người làm thất thoát số tiền lớn như thế.
Từ đó ông Núi cho rằng chúng ta phải xem lỗi tại đâu. “Tôi cho rằng là lỗi ở tổ chức bộ máy. Bộ máy quá cồng kềnh, quá trì trệ, kéo dài và lại trùng lắp. Khi có vụ việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm” - ông Núi lý giải và cho rằng nên chăng trung ương tập trung bàn sâu và mặt trận có thể tham gia cùng để kiên quyết sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn.
Cũng quan tâm vấn đề này, ông Phạm Thế Duyệt băn khoăn đến thái độ làm việc của cán bộ hiện nay, chiếm số đông nhưng không mạnh, nhiều mà vẫn ít, có trường hợp có cũng như không vì không làm được việc. “Lỗi của chúng ta, đừng đổ cho ai cả. Mặt trận phải mạnh dạn nói với Đảng như thế. Trên sửa thì dưới sửa ngay”- ông Duyệt nói và cho rằng cần mạnh dạn tinh gọn bộ máy.
Phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát Tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết nhân dân và cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng chậm, năng suất lao động chưa cao, nợ công cao; phát hiện nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, gây thất thoát. Tham nhũng và lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và công khai các kết luận thanh tra chưa kịp thời... Mặt trận thay mặt người dân giám sát, phản biện thì không nên “chờ văn bản”, chờ “cái gì đảm bảo” mới nói. Mặt trận phải mạnh dạn chứ! Ông PHẠM THế DUYỆT, nguyên Chủ tịch Ủy ban |