Tối 5-5, lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục - khoa học - văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định).
Chương trình do UBND tỉnh Bình Định, Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TL
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam, chính là vinh danh những con người anh dũng, kiên trung nhưng đậm chất dí dỏm, sáng tạo, yêu thơ ca của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Bởi lẽ bài chòi là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp mang tính sáng tạo và giải trí cao, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xướng, hội họa, văn học.
Thủ tướng cho rằng thông qua việc UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi, cộng đồng thế giới đã tái xác nhận, khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại. Đây chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế phẩm chất cần cù, sáng tạo, nhân ái của con người miền Trung Việt Nam, góp phần làm cho khu vực này phát triển du lịch mạnh hơn trong tương lai.
Với 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, Việt Nam đang đứng thứ tám trong 177 quốc gia thành viên của Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần vun đắp tinh thần dân tộc, gìn giữ hồn cốt quê hương, trao truyền tri thức, gửi gắm tương lai…
“Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật bài chòi trước quốc tế vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân để di sản này tỏa sáng xứng đáng với vùng đất của một thời văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ, xứng đáng với nền văn minh Chămpa một thời vàng son, một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam”- Thủ tướng nói.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng ghi danh cho Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Ảnh: CTV
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam long trọng cam kết cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản, các cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động quốc gia bảo vệ, phát huy bền vững giá trị di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam, cũng như các di sản khác mà UNESCO đã công nhận; đảm bảo rằng “cái gì thuộc cộng đồng sẽ trả về cho cộng đồng” và qua đó chia sẻ các bài học thành công với các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng trên thế giới”.
Thủ tướng bày tỏ: “Hãy để tiếng ca bài chòi được vang lên trong từng gia đình, ngõ xóm của toàn bộ vùng đất miền Trung Việt Nam, để tiếng cười lan tỏa khắp muôn nơi, mang cho chúng ta niềm lạc quan về thế và lực mới của dân tộc Việt Nam”.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết để bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam, trong thời gian tới, chín tỉnh, thành phố Trung Bộ với sự chủ trì của Bộ VH-TT&DL sẽ quyết tâm xây dựng đề án bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật bài chòi. Đồng thời, tổ chức tập huấn, kiểm kê di sản hàng năm, nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan đến di sản.
Các tỉnh Trung Bộ sẽ định kỳ tổ chức liên hoan bài chòi, xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, sẽ tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL trao bằng ghi danh cho lãnh đạo các tỉnh. Ảnh: TL
Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UNESCO đánh giá cao sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật bài chòi với những hướng dẫn cụ thể. Trong đó có việc mở rộng không gian biểu diễn, trao đổi, chia sẻ những tham luận, nghiên cứu, tư liệu hóa, xuất bản về bài chòi cũng như các sáng kiến khác.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam. Trong đó, tập trung tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống của di sản.
Chương trình nghệ thuật Âm vang nghệ thuật bài chòi. Ảnh: TL
Nhân dịp này, Bộ VH-TT&DL cùng các tỉnh trên đã tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề Âm vang nghệ thuật bài chòi nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị cốt lõi của di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam. Chương trình được xây dựng quy mô theo hình thức bán sử thi, quy tụ 400 diễn viên, nghệ nhân của chín tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.