Phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương sáng 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai nên “từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2017 và những kỷ lục
Theo Thủ tướng, năm 2017 Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, điều hành kịp thời, nhịp nhàng, giữ tăng trưởng, ổn định vĩ mô, giải quyết việc làm, kiểm soát được những chỉ tiêu vĩ mô quan trọng của đất nước... Đây không chỉ là kết quả mà còn là kinh nghiệm tốt cho năm 2018.
“Những kỷ lục như tổng vốn đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, thành lập doanh nghiệp (DN)... rất đáng mừng. Chính chúng ta cũng không thể nghĩ chúng ta có nền kinh tế có kim ngạch hai chiều xuất nhập khẩu trên 425 tỉ USD và lần đầu tiên chúng ta xuất siêu, hay chúng ta đã đứng vào nhóm 50 nền kinh tế thế giới, đạt 5 triệu tỉ đồng GDP...” - Thủ tướng nói.
“Tất nhiên cũng có nhiều kỷ lục khác như kỷ lục về thiên tai, kỷ lục về số vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao, kỷ lục về bắn đạn thật khoảng 600-700 tấn đạn cũ phục hồi, bắn đâu trúng đó...” - Thủ tướng điểm lại.
Đánh giá về những kết quả đạt được năm 2017, Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp của nhiều bộ trưởng, bí thư, chủ tịch và nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt là cả hệ thống chính trị đã quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện, từ cấp vĩ mô trung ương đến địa phương. Nhiều người đã làm ngày làm đêm cùng Thường trực Chính phủ, nhiều địa phương trăn trở tìm lối đi, cách làm mới để có sự chuyển biến.
“Nhiều đồng chí cứ thứ Bảy, Chủ nhật xuống cơ sở ở nông thôn ngồi uống cà phê để lắng nghe những trắc trở, tìm ra giải pháp, chứ không phải sáng cắp ô đi tối cắp ô về, chỉ làm trên giấy tờ quan liêu mà có được thành công...” - Thủ tướng nói, đồng thời nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ”, hay “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như lời Tổng Bí thư nói hôm 28-12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Quan tâm đến hàng ghế thứ hai, thứ ba
Thủ tướng nêu rõ không chỉ muốn nhắn nhủ những người ngồi hàng ghế đầu tại hội trường là lãnh đạo các bộ, ngành mà cả những người ngồi hàng ghế thứ hai, thứ ba… là lãnh đạo các tổng cục, vụ, cục, các cơ quan liên quan… bởi đây là những người trực tiếp thực hiện đổi mới, cải cách, áp dụng những việc mà Chính phủ đang làm.
“Nếu hàng thứ hai, thứ ba không làm thì hàng thứ nhất cũng không có tác dụng nhiều. Cải cách đổi mới phải là hệ thống. Tôi lo nhất là cấp tổng cục trưởng, vụ trưởng, cấp sở, cấp huyện có đổi mới, cải cách hay không, có áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới không, có áp dụng công nghệ số không?... Còn lãnh đạo chuyển xuống tổng cục, tổng cục cứ để đó, tham mưu kiểu cũ, không đổi mới thì khó lắm!” - người đứng đầu Chính phủ nói và khẳng định nếu các vụ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc sở, chủ tịch huyện không chịu đổi mới, hội nhập, không thay đổi tư duy thì rất khó khăn cho đất nước. Trên nóng dưới lạnh cũng từ ý đó.
Thủ tướng cũng cho hay Thường trực Chính phủ đã thảo luận và thống nhất ngay chiều 29-12 hoặc chậm nhất là đầu tháng sau Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo 242 loại công việc cụ thể để các cấp, ngành, địa phương bám sát vào để tổ chức triển khai ngay những ngày đầu của năm 2018.
“Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” - Thủ tướng nói. “Quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy... đến với người dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình” - Thủ tướng nhấn mạnh.
2.300 USD: Có gì mà quá phấn khởi?
Nói về những việc lớn cần làm trong năm 2018, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu tăng trưởng phải đạt trên mức Quốc hội thông qua, ít nhất phải đạt trên 6,7% để giải quyết các vấn đề việc làm, thu ngân sách, nợ công, thu nhập bình quân đầu người...
“Một đất nước thu nhập có hơn 2.300 USD/người thì có gì mà quá phấn khởi? Có thể nói đó là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta khi bình quân thu nhập thấp đến thế” - Thủ tướng nói và cho rằng đi liền với tăng trưởng thì chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động phải nâng lên, các chỉ số môi trường phải được cải thiện.
Cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần có chuyển biến mạnh mẽ hơn về sức sống, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương, từng DN và ngay cả sản phẩm quốc gia. “Ở Cà Mau đã có DN xuất khẩu tôm đạt 700 triệu USD. Nếu tạo điều kiện để DN làm thêm 300 triệu nữa sẽ đạt được 1 tỉ USD, vậy thì DN sản xuất tôm lớn nhất thế giới là ở tỉnh Cà Mau của Việt Nam. Chúng ta phải có những mơ ước, có những sản phẩm như vậy” - Thủ tướng nói.
Yêu cầu nữa là xã hội bình yên hơn, an ninh an toàn hơn, mọi người dân - nhất là người nghèo, người yếu thế - có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Phải có biện pháp xây dựng nền kinh tế tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh mới…
Phải lắng nghe, tháo gỡ, đừng bảo thủ Tại hội nghị, Thủ tướng đã đúc kết một số bài học kinh nghiệm từ những kết quả đạt được trong năm 2017. Đó là nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân người đứng đầu vì “làm ì ạch thì làm sao có cách mạng”, làm sao hoàn thành được và gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ. Các chỉ tiêu phải được lượng hóa, đo đếm được, kiểm tra được. Chính quyền các cấp có sự tương tác, phản hồi tích cực với người dân và DN. “Phải lắng nghe, phải tháo gỡ, chứ cứ nói mình đúng rồi, mình bảo thủ, trì trệ thì làm sao thành công được” - Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, đó còn là bài học thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình, theo dõi sát diễn biến, chỉ đạo xử lý linh hoạt kịp thời, gắn liền với khen thưởng, xử lý kịp thời đối với cán bộ. Các địa phương cũng phải thành lập tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công việc, đừng để chủ trương nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống. Bài học nữa là đoàn kết, cộng sự cả hệ thống để cùng hỗ trợ giải quyết khó khăn. Cùng với vai trò cá nhân là sự vào cuộc của mỗi địa phương bởi tỉnh nào cũng quan trọng, cũng có lợi thế so sánh, có lợi thế phát triển. Bên cạnh đó là bài học về chỉ đạo toàn diện, không chỉ phát triển kinh tế mà cả xã hội, môi trường... |