Sáng 20-10, sau hai giờ 30 phút lắng nghe các ý kiến của cử tri Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã giải đáp các kiến nghị, phản ánh của bà con.
Pháp Luật TP.HCMxin trích đăng nguyên văn phát biểu của ông.
Người dân Thủ Thiêm phản ánh về khu tái định cư 160 ha. Ảnh: HOÀNG GIANG
Năm tháng qua, Thành ủy và UBND TP đã làm gì?
Giống nhau là những nội dung bà con nêu cơ bản là như cũ, nhưng từ đó đến nay Chính phủ và chính quyền TP đã làm rất nhiều việc để hướng tới giải quyết các vấn đề ở Thủ Thiêm. Quá trình giải quyết đều phải theo trình tự, tôi xin được báo cáo lại như thế này:
Theo kế hoạch thì Thanh tra Chính phủ ngày 15-7 công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm và TP đã chuẩn bị để khi có công bố thì triển khai thực hiện. Nhưng thực tế là 14-9 mới được công bố nên việc triển khai chậm hơn.
Trong năm tháng vừa qua, Thường vụ Thành ủy làm gì, UBND TP làm gì để chuẩn bị cho việc thực hiện, tôi xin chia sẻ lại.
Kể từ tháng 5-2018 đến đầu tháng 10, Thường vụ Thành ủy đã họp sáu lần. Trong vòng năm tháng họp sáu lần chỉ để tìm cách giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm, tức là cường độ rất cao, chưa từng có. Trong năm 2016-2017, Thường vụ họp một lần, Thường trực Thành ủy họp bốn lần liên quan đến Thủ Thiêm. Còn đến năm 2018, trong vòng năm tháng vừa qua Thường vụ Thành ủy họp sáu lần. Chúng tôi nói để bà con hiểu rằng, nhìn thì thấy hành vi thay đổi đền bù chưa được nhiều nhưng chúng tôi phải chuẩn bị.
Chúng tôi xin báo cáo quá trình chuẩn bị như thế này:
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ngày 13-5-2018, thấy bà con tạm cư nhếch nhác quá trong khi chưa biết bao giờ Chính phủ công bố kết quả thanh tra và công bố rồi thì giải quyết xong hết trong vòng bao nhiêu lâu.
Trên tinh thần là không thể để bà con phải tiếp tục sống tạm cư trong cảnh nhếch nhác nên đã tiến hành lập tổ kiểm tra do anh Nguyễn Như Khuê làm tổ trưởng cùng các sở, ngành xuống thăm bà con ở khu tạm cư. Sau đó về có báo cáo lại tình hình. Qua chuyến thăm đó, thấy ngoài vấn đề bà con bức xúc vì ở trong khu tạm cư ngập nước thì còn vấn đề liên quan đến nhiều hồ sơ cưỡng chế. Sau cuộc họp đó, Thường vụ thống nhất là mời bà con đang ở khu tạm cư vào tạm cư trong chung cư để giảm bớt khó khăn vì khi đó sắp lại đến mùa mưa rồi.
Trong hơn 100 bà con, có 40 hộ vào tạm cư tại chung cư, còn lại chưa vào. Chị Tâm có tìm hiểu tại sao chưa vào? Lý do là có những bà con đang kinh doanh ở dưới đất, khi lên lầu sẽ không buôn bán được. Thứ hai là bản cam kết trách nhiệm quá dài và nhiều nội dung bà con thấy còn phức tạp. Cũng có những trường hợp bà con lo ngại khi lên tạm cư tại chung cư thì các chính sách đang khiếu nại không được giải quyết. Đó là một số lý do của bà con, còn tấm lòng của TP là muốn tạo chỗ ở tốt hơn cho bà con. Đó là nội dung cuộc họp lần thứ nhất.
Lần thứ hai là ngày 26-5, như vậy trong tháng 5 Thường vụ họp hai lần về Thủ Thiêm. Trong đó, đã thành lập tổ công tác nghiên cứu kiến nghị của bà con liên quan đến chính sách và tổ công tác này là của TP giao cho chủ tịch UBND quận 2 làm tổ trưởng cùng các sở, ngành để lập danh mục các vấn đề và danh sách bà con còn bức xúc.
Đến ngày 10-6, tức là sau hai tuần, Thường vụ Thành ủy tiếp tục họp, làm rõ thông qua chính sách từ tạm cư vào tái định cư... trong đó chỉ thu tiền điện nước, tiền khác không thu.
Ngày 13-7, sau gần một tháng, Thường vụ họp lần 4, lập tổ công tác TP do chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để xác định nếu Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra thì kế hoạch TP làm gì và lộ trình ra sao, vì lúc đầu dự kiến 15-7 sẽ công bố kết luận thanh tra. Tổ công tác này sẽ phải trình Thường vụ lộ trình giải quyết theo kết luận thanh tra.
Trong đó, quyết định có bốn việc phải làm: Thứ nhất là khi có kết luận thanh tra rồi thì phải phối hợp với bà con Thủ Thiêm, nhất là khu phố 1 để trả lời rõ vấn đề trong, ngoài ranh. Nếu xác định ngoài ranh thì đề xuất cơ chế đền bù cho bà con như thế nào.
Thứ hai, với khiếu nại về hiện trạng sử dụng đất không đúng như đất ở thì lại giải quyết theo đất ruộng. Tất cả những tình trạng pháp lý về sử dụng đất thì tổ này cùng quận 2 phải rà soát lại. Cho nên tôi rất hiểu nhiều bà con muốn đứng lên phát biểu trường hợp của mình nhưng khi bà con phát biểu xong, bản thân tôi cũng không giải quyết được mà phải có một tổ chuyên trả lời vấn đề hồ sơ sử dụng đất có đúng hay không. Nếu không đúng thì căn cứ vào đâu để giải quyết.
Thứ ba, TP cũng thành lập một tổ để xem xét đối với các hộ dân không khiếu nại về hiện trạng sử dụng đất nhưng chưa đồng tình về chính sách đền bù và chưa di dời thì phải tiếp tục làm rõ. Tổ này phải rà soát lại xem có thể vận dụng gì tối đa, có lợi cho người dân thì vận dụng vì vụ việc cũng đã diễn ra mười mấy năm rồi, chính sách cũng nhiều giai đoạn. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì nhiều đề án khác diễn ra cùng thời điểm thì chính sách dành cho Thủ Thiêm có cao hơn nhưng nhiều bà con vẫn chưa hài lòng, chưa đồng tình.
Thứ tư, với bà con chấp hành giao đất rồi; nhận đất hoặc chung cư và đi rồi nhưng vẫn còn băn khoăn thì cũng phải lắng nghe. Cho đến hiện nay, tôi nhận được 127 đơn của bà con trong cuộc họp lần trước. Bà con thấy mình thuộc các diện băn khoăn nói trên thì vẫn có thể nộp.
Bà Trần Thị Mỹ nói nếu chính quyền chịu đối thoại với dân ngay từ đầu thì đã không có sự cay đắng ngày hôm nay. Ảnh: Hoàng Giang
Lúc nãy cử tri Trần Thị Mỹ nói rằng có nộp hồ sơ cho tôi nhưng tôi không trả lời. Tôi xin nói rõ, bà Mỹ đưa hồ sơ của bà Lê Thị Hồng nên chúng tôi đã trả lời cho bà Hồng rồi.
Cuộc họp thứ tư vào ngày 14-9, Thường vụ đã bàn phối hợp tiến độ giải quyết theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì có 11 đầu việc phải làm.
Đến ngày 11-10 (lần 5), chúng tôi họp lần đầu tiên để nghe đề xuất chính sách của ủy ban về vấn đề giá thuê/bán nhà tái định cư theo tinh thần chọn một giá bà con có thể thuê được. Nếu còn cao thì điều chỉnh làm sao để hai bên có thể thống nhất được, trong đó Nhà nước sẽ gánh cái gì. Hiện nay đang làm và chủ tịch TP sẽ gặp bà con về câu chuyện này.
Cách đây hai hôm, chủ tịch UBND TP có gặp, bà con chỉ tập trung vào vấn đề trong, ngoài ranh thôi. Phiên họp thứ hai tới đây sẽ là chính sách thuê, mua nhà. Vì thực tế tiền bà con được đền bù, bà con không mua được chung cư mà thuê thì cũng khó, chúng tôi ghi nhận cái đó và vừa rồi đã nghe phương án thống nhất giá như thế nào.
Trên cơ sở đối thoại của chủ tịch với bà con về giá cả, ủy ban sẽ tổng hợp lại, xung quanh vấn đề số hộ ngoài ranh theo kết luận thanh tra, đặc điểm đất đai như thế nào, nếu đền bù như thế nào? Chính sách cho nhà tái định cư như thế nào? Sau đó, Thường vụ sẽ nghe và báo cáo HĐND.
Dự kiến tháng 11, HĐND sẽ họp phiên chuyên đề thông qua chính sách này. Để hỗ trợ bà con ngoài ranh, phải di dời bị thiệt hại thì phải dùng ngân sách để đền bù, mà xuất tiền ra thì chỉ có HĐND mới được quyết vấn đề này, ủy ban và Thành ủy không được quyết.
Trước phiên họp chính sách nêu trên, chủ tịch TP sẽ gặp riêng người dân và nghe kỹ. Như vậy, trong vòng năm tháng, Thường vụ đã họp sáu lần, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, chưa bao giờ họp nhiều như vậy. Điều đó phần nào thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của Thường vụ trong việc giải quyết vấn đề của bà con. Và để khắc phục cái sai trong việc thực hiện dự án Thủ Thiêm.
Kiểm điểm cán bộ trong tháng 11
Thông báo Kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ có ba vấn đề lớn: Thứ nhất là vấn đề trong/ngoài ranh liên quan đến 4,3 ha. Xác định nằm trong ranh quy hoạch là không đúng và phải giải quyết quyền lợi của bà con. Đây là vấn đề rất khó mà trước đây chưa kết luận được. Thông báo đó đã khẳng định được việc này thì phải xử lý quyền lợi bà con. Để làm được vấn đề này thì phải đo đạc và ngày 10-10, TP đã quyết định thành lập tổ đo đạc liên quan đến 4,3 ha do giám đốc Sở TN&MT làm tổ trưởng.
Trước hết sẽ thực hiện tại 4,3 ha theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tổ công tác này không chỉ có TP mà có đại diện của Bộ TN&MT cùng tham gia, TP không làm một mình.
Thứ hai là kết luận nói rằng TP lúc đó không có phương án đền bù giải phóng mặt bằng tổng thể, không có cân đối tổng thể cho việc đền bù, như vậy là không đúng quy định của Chính phủ.
Thứ ba, về 160 ha, trước khi duyệt quy hoạch khu tái định cư tỉ lệ 1/2000, theo quy định phải trình Thủ tướng quy hoạch 1/5000 nhưng TP không trình. TP không lập quy hoạch 1/5000 khu tái định cư trình Thủ tướng duyệt rồi mới được làm quy hoạch chi tiết 1/2000. Như vậy là không đúng thủ tục, quy trình.
Lúc đó TP trình cũng chỉ có 42 ha thôi, trong khi Thủ tướng yêu cầu 160 ha. Như vậy, phần thiếu hơn 110 ha cũng không báo cáo Thủ tướng. Trong năm phường dự kiến có 160 ha thì TP duyệt quy hoạch chỉ 42 ha thôi. Phần thiếu không báo cáo Thủ tướng là sai, thông báo kết luận thanh tra đã nói rõ.
Trong phần đất của năm phường đó thì giao cho 51 dự án triển khai và quá trình giao có nhiều sai phạm. Kết luận thanh tra đã nêu rõ rồi. Báo cáo bà con, trong ba nội dung trên đã phản ánh được bức xúc của bà con lâu nay. Hiện nay TP đang tập trung để giải quyết.
UBND TP sau sáu phiên họp Thường vụ thì sẽ làm gì? Trước hết, từ tháng 6, lập tổ công tác thứ nhất do chủ tịch quận 2 làm tổ trưởng. Tháng 10, lập tổ công tác do UBND TP làm tổ trưởng ban hành kế hoạch liệt kê 11 đầu việc phải làm. Chủ tịch UBND TP ban hành danh mục để triển khai. Trong đó có việc chủ tịch UBND TP sẽ gặp bà con để trình bày dự kiến thực hiện cụ thể.
Hiện nay, có cái chậm do kết luận thanh tra công bố chậm. Chúng tôi xin khẳng định lại, Thường vụ Thành uỷ, UBND TP thấy được trách nhiệm của chính quyền TP qua các thời kỳ với bà con. Những cái nào sai thì phải giải quyết.
Ngoài bốn điểm như tôi vừa nói thì vấn đề thứ năm là TP yêu cầu những cá nhân liên quan trong việc thực hiện không đúng quy định pháp luật về vấn đề đền bù tái định cư phải làm kiểm điểm trong tháng 11. Kiểm điểm xong, mức độ đến đâu thì xử lý đến đó. Ai là người phải kiểm điểm thì phải thống nhất được danh sách đó và phải theo thứ tự, một số cá nhân kiểm điểm trước.
Quá trình kiểm điểm, TP không làm một mình mà có Thanh tra Chính phủ tham gia chứ không phải tự TP kiểm điểm, tự TP xử lý. Sau đó, xử lý cán bộ sẽ theo phân cấp quản lý, cán bộ nào TP được quyền quyết định thì TP xử lý. Cán bộ nào thuộc trung ương quản lý thì phải có ý kiến của trung ương. Tôi xin khẳng định với bà con, những người có sai phạm là phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nỗi đau của người dân Thủ Thiêm không gì có thể bù đắp
Qua buổi tiếp xúc cử tri hôm nay, phải nó là chúng tôi rất buồn, rất đau vì từng hộ dân, từng gia đình là những con người cụ thể. Bà con cuộc sống tệ hơn, một phần bà con ốm đau, con cái bỏ học. Đây là nỗi đau. Nên chúng tôi cam kết sẽ cùng bà con giải quyết theo luật pháp, vận dụng có lợi nhất để giải quyết cho dân.
Nhiều gia đình chờ đợi lâu, người thân cũng mất, hay ốm đau cũng mất, thậm chí có người tự sát như có cử tri hôm nay đã phản ánh. Đó là nỗi đau không gì có thể bù đắp được.
Hôm nay bà con cũng đề ra yêu cầu các mức xử lý, thậm chí còn nêu tên cá nhân cụ thể, chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm trên cơ sở kết luận thanh tra, trên cơ sở pháp lý hồ sơ cụ thể để giải quyết, mong bà con bình tĩnh. Thường vụ Thành ủy có trách nhiệm làm đúng công lý, đúng pháp luật. Trong ba tháng tới, việc giải quyết sẽ đẩy tiến độ cao hơn để thống nhất chính sách và vận dụng chính sách để giải quyết cho bà con.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, có 150 ý kiến đăng ký phát biểu, tuy nhiên không đủ thời gian nên chỉ có khoảng trên dưới 20 ý kiến phản ánh. Nội dung của cử tri chủ yếu xoay quanh bốn vấn đề lớn tại khu đô thị mới Thủ Thiêm: Xử lý cán bộ có sai phạm, chính sách bồi thường, tái định cư tại khu 4,3 ha và đối với các hộ ngoài ranh quy hoạch, những sai phạm xung quanh khu tái định cư 160 ha trong khu đô thị Thủ Thiêm. Nhiều ý kiến không đồng tình với Thông báo kết luận số 1483/2018 của Thanh tra Chính phủ, đồng thời yêu cầu cần phải thanh tra toàn diện, cụ thể, chi tiết dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Cũng nhiều cử tri yêu cầu cần phải đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội để giải quyết rốt ráo, giải quyết dứt điểm để chấm dứt khiếu nại của người dân Thủ Thiêm. |