Vì sao dự án sân bay Long Thành chậm 8 tháng?

Chính phủ vừa thông qua báo cáo về tình hình triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành. Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thay mặt Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Về công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 1 của dự án, Chính phủ cho biết đã giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và cho phép sử dụng nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đấu thầu tư vấn quốc tế, thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án. Hiện nay, ACV đang tổ chức thi tuyển lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc CHKQT Long Thành, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2016 (bao gồm cả thời gian lấy ý kiến cộng đồng).

Sau khi tổ chức thi tuyển kiến trúc, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (từ tháng 12-2016 đến tháng 3-2017), thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi khoảng 16 tháng, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2018.

Một trong những mô hình sân bay Long Thành được hội đồng đánh giá cao. 

Đánh giá chung về tình hình triển khai dự án, theo Chính phủ đến thời điểm hiện tại, so với kế hoạch ban đầu tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi bị chậm khoảng 8 tháng.

Nguyên nhân là tiến độ dự kiến ban đầu do chủ đầu tư lập có đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai dự án như tuyển chọn phương án kiến trúc Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện song song việc giải phóng mặt bằng từ năm 2016.

Tuy nhiên, đến nay do đặc thù công trình nhà ga hành khách, dự án vẫn tiến hành thi tuyển kiến trúc theo quy định của pháp luật, việc này dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện khoảng chín tháng.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa được tách thành tiểu dự án riêng. Quy hoạch khu tái định cư và dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư được nghiên cứu đồng thời và sẽ được phê duyệt sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được phê duyệt. 

Nhưng đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ((giai đoạn 1 của dự án chậm nhất phải hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025), tiến độ triển khai dự án về cơ bản vẫn được đáp ứng.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư dự án để tập trung nghiên cứu. Phấn đấu hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình Quốc hội vào cuối năm 2018. Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai các bước của dự án theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng cho biết dự kiến sẽ trình Quốc hội về một số cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và triển khai thực hiện dự án. 

 

Dự án có diện tích sử dụng đất 5.000 ha, trong đó diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích dành cho quốc phòng là 1.050 ha, diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha. Dự án nằm trên địa bàn sáu xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 43 km).

Quy mô dự án là đầu tư xây dựng cảng hàng không đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy