Dự án có vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng, gồm hệ thống đường trên cao dài hơn 5.000 m và rộng 7,5-12,5 m, tùy theo đoạn. Trong đó, cầu chính dài 2.665 m từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long) đi vào sân ga, tạo thành một trục đường trên cao nối nhà ga quốc tế (T2) qua nhà ga quốc nội (T1) và nối đến nhà ga dự kiến xây dựng (T3).
Một cầu khác đi dọc theo đường Thăng Long, vòng qua đường Phan Thúc Duyện, xuyên qua Công viên Hoàng Văn Thụ và tiếp đất tại đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi. Ngoài ra, dự án này còn xây dựng thêm nhiều nhánh cầu khác.
Dự án này sẽ được kết nối với tuyến đường trên cao số 1 (đang được nghiên cứu, ước tính tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỉ đồng).
Dự kiến năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 30 triệu lượt hành khách/năm, trong khi quy hoạch chỉ 25 triệu lượt hành khách/năm. Thời gian qua, bên trong sân bay Tân Sơn Nhất lâm vào cảnh thiếu cả đường lăn, sân đỗ và nhà ga. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều chuyến bay phải bay chờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Trong thời gian chờ sân bay Long Thành (nhanh nhất thì năm 2025 hoàn thành một phần), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ TN&MT, UBND TP cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng việc sử dụng khu đất quốc phòng phía tây của sân bay (khoảng 21 ha) để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ máy bay, đường lăn và nhà ga, nâng công suất hệ thống nhà ga sân bay đạt khoảng 40-50 triệu khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý cho TP.HCM áp dụng cơ chế thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, áp dụng hình thức chỉ định thầu để rút ngắn thủ tục, khởi công sớm nhất đối với các dự án cầu vượt trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất, cầu thép tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn và một số dự án khác kết nối ngoài nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết kẹt xe.