Vốn đầu tư monorail thấp, giá vé sẽ “hữu nghị”

Đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện các tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt sớm đưa vào khai thác, sử dụng các tuyến monorail nhằm thực hiện các giải pháp ngắn hạn trong tổ chức giao thông.

Bên lề hội thảo, ông Cường cho biết quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã quy hoạch sáu tuyến đường sắt đô thị nặng (metro) và ba tuyến đường sắt đô thị nhẹ. Trong ba tuyến đường sắt đô thị nhẹ thì tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe miền Tây sẽ là tramway (xe điện mặt đất) và hai tuyến còn lại là monorail. Một liên danh bốn đơn vị đã đăng ký đầu tư tuyến tramway Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe miền Tây theo hình thức BOT. Tuyến dài hơn 14 km, có tổng mức đầu tư khoảng 3.870 tỉ đồng. Hiện các đơn vị liên quan đang “chạy nước rút” để có thể khởi công dự án trong năm nay và dự kiến sẽ đưa vào khai thác sau hai năm xây dựng.

Vốn đầu tư monorail thấp, giá vé sẽ “hữu nghị” ảnh 1

Loại hình monorail có sức chở lớn, giá vé rẻ và an toàn cho hành khách - một lựa chọn thích hợp trong phát triển giao thông công cộng ở các đô thị lớn. Ảnh: TƯ LIỆU

Về hai tuyến monorail số 2 và số 3, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư. Hiện Tổng Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Công ty Đạt Phương đăng ký đầu tư tuyến số 2 nhưng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP đang nghiên cứu phương án xây dựng hai tuyến này tương tự như tuyến tramway Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe miền Tây để giảm chi phí đầu tư.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng khẳng định monorail là loại hình vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn (5.000-30.000 lượt người/hướng/giờ với tốc độ 70-90 km/giờ), lại có nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, có thể sử dụng năng lượng mặt trời, thời gian thi công thấp… Đặc biệt, chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành hệ thống cũng tiết kiệm hơn so với tàu điện hai ray hoặc metro nên áp lực về tài chính sẽ thấp hơn nhiều so với loại hình metro và giá vé sẽ phù hợp với túi tiền của cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên.

Tuyến monorail số 2 dài khoảng 12 km, có điểm đầu tại Nguyễn Văn Linh giao với quốc lộ 50 và điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm, trên tuyến có nhà ga khoảng 5 ha dự kiến đặt tại huyện Bình Chánh. Tuyến monorail số 3 dài khoảng 8 km, có điểm đầu từ ngã sáu Gò Vấp, chạy qua Công viên phần mềm Quang Trung và đến Tân Thới Hiệp (quận 12). Nhà ga của tuyến số 3 dự kiến ở quận 12.

Monorail có thể trở thành phương tiện vận tải công cộng chủ yếu tại đô thị dưới một triệu dân và là phương tiện kết nối ngoại thành với các tuyến tàu điện ngầm tại đô thị lớn. Loại hình vận tải này hấp dẫn khách du lịch tham quan ngắm cảnh tại các đô thị du lịch, đặc biệt hiệu quả khi kết nối trung tâm đô thị với sân bay lớn, giúp giảm thời gian đi về và chờ đợi của hành khách. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình này cần kết nối với các đầu mối giao thông (nhà ga, bến xe) đường không, đường sắt, đường bộ, đường thủy với nhau và với khu vực trung tâm thương mại.

Ông PHẠM SỸ LIÊM, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

MINH PHONG - LƯU ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm