Sửa Luật Thủ đô để thu hút người tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

(PLO)- Các chuyên gia góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ các khái niệm “năng lực vượt trội”, “cống hiến đặc biệt”, “tài năng đặc biệt” để tăng tính khả thi của chính sách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-4, Trường Đại học Luật Hà Nội cùng Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với tổ chức Hội thảo khoa học: “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Luật Thủ đô.jpg
Sửa Luật Thủ đô để thu hút người tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Huy Phạm

Thời gian qua, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, tổ chức các cuộc họp với đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan để góp ý trực tiếp vào từng nội dung, đề xuất trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đơn vị cũng tổ chức các hội thảo tham vấn nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về các quy định, biện pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo, y tế; bảo vệ, phát triển văn hóa của Thủ đô; cơ chế khai thác hiệu quả tài sản công; hội thảo về phân cấp, phân quyền trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi (Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị) cho biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới.

Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.

Một nội dung đáng chú ý là Điều 16 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay.

Đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Th.S Nguyễn Thị Hồng Thúy (Trường Đại học Luật Hà Nội) đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là chế độ về thu nhập, nhà ở và vị trí việc làm phù hợp, theo hướng quy định chế độ, chính sách đặc thù", bà Thúy nêu quan điểm.

TS Tạ Quang Ngọc.jpg
TS Tạ Quang Ngọc (Trường Đại học Luật Hà Nội) góp ý Dự thảo Luật Thủ đô. Ảnh: Huy Phạm

Theo TS Tạ Quang Ngọc (Trường Đại học Luật Hà Nội), trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khắc phục nhiều hạn chế, bất cập của Luật năm 2012, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao được thể hiện thông qua Điều 16 dự thảo.

Tuy nhiên, TS Tạ Quang Ngọc cho rằng dự thảo cần làm rõ hơn một số từ ngữ như “năng lực vượt trội”, “cống hiến đặc biệt”, “tài năng đặc biệt” để xác định về tiêu chuẩn, điều kiện của nhân tài, nhân lực chất lượng cao, tăng tính khả thi của chính sách.

Bên cạnh đó, để chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao mang lại hiệu quả, cần làm rõ về vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách ưu đãi cho nhân lực chất lượng cao; quyền và nghĩa vụ của nhân tài, nhân lực chất lượng cao khi trở thành cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô.

05aef576ed9f43c11a8e.jpg
TS. Đoàn Thị Tố Uyên (Trường Đại học Luật Hà Nội) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huy Phạm

Còn TS Đoàn Thị Tố Uyên (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh yêu cầu đổi mới quản lí nhà nước đối với nhân tài, theo hướng tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô.

TS Uyên cho rằng TP Hà Nội cần được quy định việc kí hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thoả thuận đối với một số vị trí việc làm cần nhân lực chất lượng cao.

Để làm được việc này, Thủ đô cần được trao quyền quyết định sử dụng ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm nhân lực chất lượng cao; mức chi căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố.

Cùng với đó, Hà Nội được quy định việc kí hợp đồng với người có kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm đã và đang làm việc ở khu vực tư hoặc ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lí các tổ chức, cơ quan, đơn vị của Thủ đô (đảm bảo liên thông giữa khu vực công và khu vực tư cho chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao).

Ngoài những ý kiến trên, các diễn giả còn đề xuất một số giải pháp khác như cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học; trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành...

Về quy định về chế độ đãi ngộ nhân tài hiện tại ở Thủ đô, nhóm đối tượng này được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu; được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài.

Sau 2 năm công tác với mức hỗ trợ kinh phí: tiền học phí, tiền hỗ trợ hàng tháng đi học bằng 1,5 mức lương tối thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng 30 lần mức lương tối thiểu, luận án tốt nghiệp Tiến sĩ bằng 80 lần mức lương tối thiểu, nếu là đào tạo trong nước; được hỗ trợ kinh phí đào tạo và hỗ trợ hàng tháng thực học bằng 5 lần mức lương tối thiểu, nếu là đào tạo sau đại học ở nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm