Cử tri Hà Nội mong Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

(PLO)- Cử tri Hà Nội mong Quốc hội sớm thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo điều kiện, động lực cho sự phát triển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 10 đã có buổi tiếp xúc cử tri các huyện Mê Linh, Sóc Sơn.

Cử tri mong Luật Thủ đô sớm được thông qua

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Cử tri Lương Văn Họp (huyện Mê Linh) cho hay nguyện vọng chung của cử tri TP Hà Nội là mong Luật Thủ đô sửa đổi sớm được thông qua. Ông cũng mong việc sửa đổi lần này đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế, vai trò, trở thành trung tâm lớn về chính trị, văn hóa xã hội; là Thủ đô xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại.

“Cử tri mong muốn được biết bao giờ Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua và dự luật này đem lại quyền lợi gì cho người dân TP” - ông Họp nói.

cu-tri-ha-noi.jpeg
Cử tri huyện Mê Linh mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: TP

Cử tri Quách Sỹ Dũng (huyện Mê Linh) cho hay nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân rất lớn. Chỉ tính riêng KCN Quang Minh hiện có khoảng 1-2 vạn công nhân có nhu cầu nhà ở. Ông Dũng kiến nghị TP sớm thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để đáp ứng nhu cầu nhà ở trên địa bàn.

Còn ĐB Trần Đình Cường (xã Bắc Sơn, Sóc Sơn) kiến nghị trong điều chỉnh chung quy hoạch Thủ đô không quy hoạch nghĩa trang, không mở rộng bãi rác.

“1/3 diện tích của xã là đất của khu liên hiệp xử lý rác thải, nếu quy hoạch thêm 100 ha đất nghĩa trang nữa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân” - ông Cường nói.

Nhiều ý kiến ủng hộ Luật Thủ đô

Về kiến nghị không quy hoạch nghĩa trang 100 ha và mở rộng khu xử lý rác thải Nam Sơn giai đoạn 3, đại diện Sở QH-KT Hà Nội cho hay sẽ tiếp thu, nghiên cứu kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, sẽ tính toán, hướng đến công nghệ xử lý đốt rác phát điện thay vì mở rộng bãi chôn lấp rác

Về phát triển nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Bình Minh, thông tin hiện huyện Mê Linh đang triển khai hai dự án nhà ở xã hội và một dự án nhà ở cho công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh.

“Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án để các công trình sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân” - ông Minh nói.

cu-tri-ha-noi-tran-sy-thanh.jpeg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh Ảnh: TP

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay tại kỳ họp 6, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.

“Hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ ủng hộ với sự cần thiết sửa đổi luật, đồng thời đề nghị dự thảo cần trao thêm quyền nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa cho thủ đô” - Chủ tịch Hà Nội nói.

Theo ông Thanh, Luật Thủ đô năm 2012 là luật đi đầu, “khai sinh” ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính, trên cơ sở đó Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác.

“Việc sửa đổi luật Thủ đô lần này có nhiều thuận lợi khi vừa kế thừa luật hiện hành, vừa đưa vào các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác” - ông Thanh nói và khẳng định việc sửa đổi luật Thủ đô sẽ là cơ sở giúp bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.

Cùng với sửa Luật Thủ đô, Chủ tịch Hà Nội cho hay TP cũng đang xây dựng hai quy hoạch lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội để trình Chính phủ, Quốc hội.

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết dự báo năm 2023 TP Hà Nội sẽ tăng trưởng GRDP khoảng 6,2%, dự kiến thu ngân sách khoảng 400.000 tỉ đồng. Các lĩnh vực về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng - an ninh... đều được bảo đảm và có kết quả tích cực.

Trong năm qua, UBND TP Hà Nội đã phân cấp cho các địa phương chín lĩnh vực, phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với 708 thủ tục hành chính.

“Trong quá trình thực hiện, TP rút ra hai bài học. Một là, thấy đúng thì phải quyết tâm làm. Hai là, làm thì phải quyết liệt” - ông Thanh nói và nhìn nhận khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thì rõ ràng công việc đã được sát sao hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm