Sửa Luật Thủ đô: Cơ chế phải vượt trội, trao quyền phải triệt để

(PLO)- Việc di dời trường học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành… ra khỏi nội thành của Hà Nội gặp khó khăn do thiếu cơ chế, cần phải thêm cơ chế để có thể thực hiện triệt để.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-11, Quốc hội (QH) đã nghe tờ trình của Chính phủ và thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng để dự luật thật sự giúp Hà Nội phát triển bứt phá, trở thành động lực cho vùng và cả nước thì các cơ chế, chính sách cho thủ đô phải đặc thù, vượt trội; việc phân cấp, phân quyền cũng phải thật triệt để…

Sửa Luật Thủ đô: Cơ chế phải vượt trội, trao quyền phải triệt để-hoang-van-cuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào chiều 10-11. Ảnh: QH

Cơ chế phải đặc thù, vượt trội

Hầu hết các góp ý của ĐBQH đều tán thành sự cần thiết phải sửa Luật Thủ đô để xây dựng Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước. Phấn đấu đưa Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực như các nghị quyết của Đảng đã yêu cầu.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh Hà Nội là thủ đô của cả nước, có tính chất hình mẫu, đại diện cho cả quốc gia. Vì vậy, Hà Nội phải đi đầu, phát triển cao hơn cả nước.

“Chính vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thu hút, quy tụ những gì tinh túy nhất cho phát triển thủ đô. Vì thế mới có luật riêng cho thủ đô, luật này khác với các cơ chế đặc thù riêng của các địa phương khác” - ĐB Cường nói.

Theo ông Cường, 10 năm qua, Hà Nội có Luật Thủ đô năm 2012 nhưng luật này mới chỉ đáp ứng được một phần mong muốn phát triển của Hà Nội, các cơ chế, chính sách cụ thể vẫn còn khá vướng. “Tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải bao trùm, có khuôn khổ pháp lý rộng hơn cho Hà Nội phát triển đúng theo tinh thần tại Điều 4 của dự thảo luật. Cụ thể, cái gì quy định khác thì thực hiện theo luật này, còn quy định sau này có khác với Luật Thủ đô thì phải nêu rõ trong đó khác như thế nào” - ĐB Cường nhấn mạnh.

“Cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thu hút, quy tụ những gì tinh túy nhất cho phát triển thủ đô.”

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Phân tích tính cần thiết xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Luật Thủ đô năm 2012 vừa ra xong thì sửa Hiến pháp năm 2013 nên gần như các luật khác cũng thay đổi theo. Vì vậy, nhiều tư tưởng tiến bộ, vượt trội của Luật Thủ đô năm 2012 khó triển khai trong thực tế. Một số việc thực hiện được nhưng không đúng tinh thần ban đầu.

“Do vậy, lần sửa luật này theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là phải đưa cơ chế đặc thù, vượt trội, phân cấp, phân quyền cho thủ đô ở nhiều lĩnh vực” - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.

Ông cho rằng có những luật khi làm xong không triển khai được trong thực tiễn thì phải sửa cho phù hợp. Ví dụ, luật về PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) từ khi ra đời đến nay chưa triển khai được dự án nào. 6/8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP cũng phải chuyển sang đầu tư công.

“Luật pháp quy định thế này nhưng thực tế lại khác. Đó là những điều rất bức xúc trong xã hội, nếu không giải quyết ngay thì sẽ trở thành sự cản trở cho phát triển” - Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

dinh-tien-dung.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào chiều 10-11. Ảnh: QH

Phân quyền để di dời trường học, bệnh viện khỏi nội đô

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm “cùng với cơ chế, chính sách vượt trội thì phải phân cấp, phân quyền cho thủ đô”. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng hiện nay còn nhiều vấn đề chưa thực sự yên tâm vì mới “trao quyền nửa vời”.

Dẫn thực tế dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô, ông Dũng cho hay dự án được QH thông qua chủ trương, giao TP Hà Nội triển khai, trong đó đoạn trên cao khoảng 56.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án giải phóng mặt bằng và đường song hành có 5.400 tỉ đồng vẫn phải báo cáo tác động môi trường trình Bộ TN&MT, báo cáo Bộ Xây dựng mất nhiều tháng.

“Giao thẩm quyền lớn rồi thì những vấn đề khác cũng phải giao theo, nếu không lại dẫn đến tình trạng “ông chằng bà chuộc” thì rất khó thực hiện” - Bí thư Hà Nội nói.

Cạnh đó, công tác di dời các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội thành được đặt ra từ lâu nhưng chậm triển khai khiến áp lực hạ tầng lên khu vực nội đô ngày một gia tăng. Muốn giải bài toán này cần phải phân cấp, phân quyền triệt để cho thủ đô, vì nếu cứ trông chờ vào Trung ương thì lâu nay không làm được.

Nếu được phân cấp, phân quyền, TP Hà Nội sẽ bỏ ngân sách ra giải phóng mặt bằng, xây trường đại học mới ở ngoại thành rồi bàn giao lại cho nhà trường. Nhà trường trả lại đất trụ sở cũ cho TP xây dựng các công trình công ích.

Ông Dũng khẳng định nếu làm theo cách này thì TP Hà Nội sẽ di dời được ít nhất 1 triệu sinh viên ra ngoại thành. Điều này vừa góp phần làm giảm dân cư nội đô vừa thúc đẩy kinh tế ngoại thành phát triển. “Càng cụ thể hóa trách nhiệm, càng rõ thẩm quyền, càng rõ cơ chế kiểm tra, giám sát thì dự luật mới dễ đi vào cuộc sống được” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Trao quyền phải triệt để, kèm giám sát

Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, việc sửa Luật Thủ đô lần này là để thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của TP Hà Nội với tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch QH nhấn mạnh tính chất duy nhất của thủ đô vì “đô thị đặc biệt thì có nhiều nhưng thủ đô thì chỉ có một”. Do vậy, dự luật phải đảm bảo vừa phổ quát của đô thị đặc biệt vừa có đặc thù riêng của thủ đô. “Thực chất là đạo luật về cơ chế đặc thù, cũng là đạo luật phân quyền, giao quyền, phân cấp, đương nhiên kèm theo là giám sát, kiểm tra” - Chủ tịch QH nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm