Chiều 10-11, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Mở rộng phạm vi, lĩnh vực được xử phạt mức cao hơn quy định
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết một trong những điểm mới của dự thảo là việc bổ sung ba lĩnh vực mà TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định. Cụ thể, phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng cáo.
Lý giải cho đề xuất trên, theo tờ trình của Chính phủ, sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn đối với một số hành vi tại khu vực nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, góp phần làm giảm số vụ vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực.
Đơn cử, trong lĩnh vực xây dựng, tỉ lệ số công trình có vi phạm hành chính đã giảm từ 8,97% năm 2014 xuống còn 2,13% năm 2020…
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy bên cạnh văn hoá, đất đai, xây dựng thì phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng cáo cũng là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất “nóng” và phức tạp.
Tuy nhiên, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn cũng như bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe, chưa bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội.
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, quy định của Luật Thủ đô 2012 về việc chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao tại khu vực nội thành không còn phù hợp. Điều này cũng chưa bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật khi áp dụng “hai loại chế tài” xử phạt khác nhau trong cùng một TP.
Thẩm tra quy định nêu trên, Ủy ban Pháp luật tán thành nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và mở rộng phạm vi áp dụng trên địa bàn toàn TP đối với một số lĩnh vực nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng việc tăng mức phạt cao không quá hai lần mức tiền phạt do Chính phủ quy định vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực có khả năng thu lợi nhuận lớn như đất đai, xây dựng…
“Do đó, cần có cơ chế linh hoạt hơn trong việc giao thẩm quyền tăng mức xử phạt cao hơn để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu và tổ chức của một đô thị hết sức đặc biệt như Thủ đô” - theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật.
Băn khoăn việc cắt điện, nước công trình vi phạm
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ như điện, nước... tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.
Việc này được thực hiện khi những đơn vị, cơ sở nêu trên đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 34 dự thảo.
Đối với quy định trên, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực trong việc bổ sung các quy định về các trường hợp cụ thể được áp dụng biện pháp này cũng như trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp, song trong Ủy ban Pháp luật vẫn còn một số ý kiến băn khoăn đối với các quy định này.
Lý do, các biện pháp trên không chỉ tác động đến tổ chức, cá nhân có công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi sai phạm mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của các công dân đang sinh sống, lao động tại các công trình, cơ sở đó một cách ngay tình.
“Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các trường hợp áp dụng biện pháp và quy định trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ để bảo đảm thực sự thích đáng và có tính khả thi, phát huy được hiệu quả khi thực hiện, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật” - theo Uỷ ban Pháp luật.