Đây là lần thứ hai Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Vụ án tưởng chừng như đơn giản bỗng dưng hóa ra phức tạp vì việc định giá, khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2006, anh Nguyễn Gia Khảm (SN 1960; trú tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho người bà con bên vợ mình là anh Trần Đức Mậu (SN 1978) thuê lại 200 m2 (trong đó có phần đang xây dở dang) từ phần đất 1.700 m2 đất anh thuê của UBND xã Phú Minh. Sau khi thuê đất, anh Mậu đầu tư trên phần xây dở dang của anh Khảm để xây dựng quán ăn. Đến năm 2012, anh Mậu có chuyện gia đình nên đóng cửa quán không kinh doanh nữa. Thấy vậy, anh Khảm đòi lại đất không cho anh Mậu thuê nữa nhưng anh Mậu không đồng ý vì anh đã bỏ tiền xây dựng công trình trên phần đất rồi. Sốt ruột vì nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Phú Minh nhưng không được giải quyết, anh Khảm đã thuê một số người phá dỡ công trình của anh Mậu. Ngày 7-8-2013, những người này đã mang máy xúc đến phá dỡ hoàn toàn quán Lá Cọ của anh Mậu. Hôm sau, anh Mậu phát hiện nên báo công an.
Sau đó, vì cũng là người trong họ hàng, đồng thời anh Khảm đã xin lỗi và đồng ý bồi thường 45 triệu đồng nên anh Mậu đã gửi đơn cho cơ quan Công an huyện xin miễn truy tố và không yêu cầu gì đối với anh Khảm. Tuy nhiên, Công an huyện Sóc Sơn vẫn tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường, định giá tài sản bị hư hỏng xác định thiệt hại gần 100 triệu đồng và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Khảm và những người được thuê về tội “Hủy hoại tài sản”.
Đến khi ra Tòa, Tòa hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và kết luận việc định giá, khám nghiệm như kết luận của cơ quan công an không đúng. Đáng chú ý, trước đó các bị cáo đã gửi khiếu nại kết luận định giá tài sản của cơ quan Công an. Cáo trạng nêu ngoài quán lá cọ của anh Mậu bị phá hủy còn có nhiều loại tài sản khác bị hư hỏng, tuy nhiên theo nhiều người cho biết thực tế không có các tài sản như Cáo trạng nêu. Ngoài ra, về quán lá cọ bị phá thì cả anh Mậu và anh Khảm đều xác nhận anh Khảm đã xây gần xong rồi sau đó anh Mậu mới hoàn thiện phần còn lại bằng cách lợp mái bằng lá cọ làm quán ăn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã bỏ qua chi tiết này mà xác định toàn bộ quán lá cọ là tài sản của anh Mậu để định giá, tính thiệt hại...
NGUYỄN DÂN
Điều 143 BLHS. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Để che giấu tội phạm khác; Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; E) Tái phạm nguy hiểm; G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |