5 kỹ năng vàng giúp các bé tránh bị xâm hại

Tôi thật sự rất đắn đo khi kể những câu chuyện các em bị xâm phạm trên mặt báo. Bởi tôi hiểu rằng không một bậc cha mẹ nào muốn nhắc lại câu chuyện con mình bị xâm hại.

Nhưng rồi tôi lại nhận lời chia sẻ vài câu chuyện với mong muốn giúp mọi người có thể phần nào đó ngăn ngừa những tình huống xấu tương tự cho con cái mình. Những câu chuyện này cũng được gọt bớt các tình tiết cụ thể vì tôi không muốn những em bé ấy bị nhận diện đâu đó trong cuộc sống.

1. Bà mẹ thập thò dắt tay cô con gái chưa đầy 10 tuổi bước vào văn phòng và nhờ tôi bảo vệ cho mẹ con họ vì cô con gái nhỏ đã bị xâm hại trong lớp học thêm. Tôi ra dấu cho cô trợ lý đưa bé sang phòng khác để tiện nói chuyện vì tôi không muốn bé nghe lại những chi tiết mà mẹ bé sẽ nói với tôi. Khi cần thông tin gì từ chính cô bé, tôi sẽ hỏi sau.

Câu chuyện bắt đầu là tự dưng bé đòi mặc nhiều quần dài khi chuẩn bị đi học. Gặng hỏi mãi bé mới trả lời và qua cách trả lời thì gia đình biết được bé đã bị xâm hại. Gia đình không biết thời điểm xâm hại khi nào, phải làm gì và xử lý ra sao nên tự đưa bé về quê thật xa để khám mà không theo một quy trình luật định. Khi tôi hỏi tại sao phải đưa bé đi xa để khám thì người mẹ nói rằng chị không muốn những thông tin không hay cho bé nên phải thu xếp đưa về quê gặp bác sĩ quen.

Và chính việc xử lý mọi việc như thế này dẫn đến rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra sau này khi xử lý thông tin tố giác, mặc dù giám định vẫn ghi nhận bé đã thực sự bị xâm hại.

Câu chuyện khác, cô bé chưa đầy sáu tuổi bị xâm hại bởi một người hơn cả tuổi ông mình. Khi đó, sau một hồi uống rượu say khi đi đám giỗ trong xóm, người đàn ông (hay nói chính xác hơn là một ông già) đã cầm khúc bánh tét được cho khi đi đám và dụ đứa trẻ về nhà ông để được ông cho ăn bánh tét. Đứa trẻ nghe lời theo ông và hành vi xâm hại đã xảy ra. Ban đầu, mọi người đều cho rằng không thể có hành vi như vậy với đứa trẻ nhỏ hơn cả tuổi cháu mình. Thế nhưng kết quả giám định và những tình tiết khác đã chứng tỏ hành vi đó là sự thật.

2.  Vậy những người nào là đối tượng cần phải đề phòng xâm hại tình dục con em mình? Đó có thể là bất kỳ ai, kể cả người thân thiết. Là một người ông đáng kính, tóc bạc chân run hay cho quà bánh trong xóm; là ông bác hàng xóm thân thiện hằng ngày… Sự thân thiện đến mức sau hành vi xâm phạm xảy ra, đứa bé bị xâm hại vẫn tới lui nhà bác và để cho hành vi ấy lặp đi lặp lại nhiều lần trước khi gia đình bé phát hiện.

Hành vi đó có thể xảy ra ở nơi đâu? Câu trả lời là bất cứ nơi đâu. Có đứa trẻ bị xâm hại ngay tại phòng trọ của gia đình bởi người chủ nhà trong lúc ba mẹ bé vắng nhà vì công việc. Có em bị xâm hại tại căn phòng của ông bác hàng xóm khi ông ngà ngà say và kéo đứa cháu vào phòng giở trò đồi bại. Có đứa trẻ bị xâm hại bởi chồng của cô giáo dạy thêm dù mẹ bé vẫn đưa đón bé hằng ngày.

Trẻ em nào là đối tượng dễ bị xâm hại? Bất kỳ trẻ nào. Những đứa trẻ đó có bé là đứa trẻ học giỏi nhất nhì trong lớp, một hôm cha mẹ phát hiện đi học không về nhà và khi tìm thấy bé thì bé đã bị dụ dỗ rồi xâm hại mang thai vài tháng dù bé chỉ vừa hết cấp 1. Có bé là đứa trẻ thiểu năng kể hoài câu chuyện xâm hại của mình cũng không trôi…

Sẽ không có một mẫu số chung nào để có thể loại trừ toàn bộ những rủi ro bị xâm hại cho những đứa trẻ con của mình.

TS tâm lý học BÙI HỒNG QUÂN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM:

Năm kỹ năng vàng mà một đứa trẻ cần biết

Để bảo vệ con khỏi nguy cơ bị xâm hại, các bậc phụ huynh nên dạy cho con những kỹ năng đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ để con tự bảo vệ mình:

1. Dạy trẻ về các vùng nhạy cảm

Cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và tránh để người khác đụng chạm vào hay có hành động ôm ấp, vuốt ve và biết cách từ chối, phản ứng lại nếu có người cố tình đụng chạm vào cơ thể mình.

2. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác

Giống như việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình thì cũng nên lưu ý trẻ không nên chạm vào vùng nhạy cảm hay tò mò về cơ thể của người khác, nhất là người khác giới để tránh bị lợi dụng dụ dỗ hay kích thích thú tính của kẻ xấu.

3. Tránh xa người lạ mặt

Dạy trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không làm quen hoặc đi chơi với bất kỳ ai nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của cha mẹ. Khi trẻ ở nhà một mình, dặn trẻ không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà.

4. Cầu cứu người giúp đỡ

Đề phòng trường hợp trẻ bị tấn công, phụ huynh nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn như tìm cơ hội kẻ xấu sơ hở thì chạy thật nhanh hoặc la hét cầu cứu mọi người. Dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ để liên lạc khi cần thiết.

5. Kể về hành vi lạ

Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật về hành vi đụng chạm, xâm hại trẻ thì dạy trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết.

___________________________________________

5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện trong năm năm qua (2011-2015), theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH. Đặc biệt, xâm hại tình dục nam có xu hướng gia tăng. Theo đánh giá, hầu hết nghi can phạm tội xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi với nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, giáo viên. Thậm chí trong số những người xâm hại các em còn có cả bố dượng, bố đẻ… Con số hơn 1.000 vụ mỗi năm thực chất chỉ là những vụ việc được báo cáo. Rất nhiều vụ bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hay vì lý do khác nhau mà không báo cáo. 

Nếu trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13.

HOÀNG LAN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm