Bị đơn cung cấp chứng cứ... phản lại mình

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm một vụ tranh chấp nợ nần, tuyên sửa án sơ thẩm, buộc ông NTD (luật sư) phải trả ngay một lần cho bà GSM 500 triệu đồng. Trước đó, tại phiên xử, ông D. đã đưa ra một chứng cứ mới nhưng theo tòa đánh giá thì nó chứng tỏ ông... có nhận tiền từ bà M. chứ không phải như ông khai là không nhận.

Nhập nhằng tình cảm với cả dì lẫn cháu

Theo hồ sơ, tháng 5-2013, bà M. đã nộp đơn khởi kiện ông D. tại TAND quận 1 để đòi tiền. Theo bà M., trước đây ông D. (kém bà 12 tuổi) là luật sư của bà, đã giúp bà thắng một vụ kiện nên hai bên nảy sinh quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau đó ông D. lại tòm tem với chính cháu gái của bà và làm cho cô này có con. Ông D. than rằng mình đang khó khăn nên vay bà 500 triệu đồng rồi nhờ bà đưa khoản tiền đó cho cháu gái của bà để cô này khỏi làm phiền ông nữa.

Cũng theo bà M., ngày 27-5-2011, giữa hai bên có lập giấy thỏa thuận là bà cho ông D. vay 500 triệu đồng không tính lãi. Hằng tháng ông D. có trách nhiệm trả cho bà 5 triệu đồng cho đến khi hết nợ. Ngay ngày hôm đó bà M. đã giao 500 triệu đồng cho ông D. tại nhà (không có ai chứng kiến). Từ khi vay tiền cho đến nay ông D. đã không trả nợ như cam kết nên bà kiện ra tòa. Cũng theo bà M., giấy thỏa thuận trên có thêm nội dung “hai bên thỏa thuận sáng thứ Bảy sẽ đi công chứng hợp đồng vay này”. Nhưng sau đó ông D. nói giấy thỏa thuận đó đã có giá trị nên cả hai không đi công chứng nữa.

Phía ông D. thì nói hai bên có thỏa thuận vay tiền, sau đó ra công chứng ngay hôm sau (ông có nộp cho tòa hợp đồng vay tiền có công chứng ngày 28-5-2011, cũng có giá trị 500 triệu đồng với thời hạn trả nợ là 10 năm). Đồng thời, hai bên có thống nhất là khi giao nhận tiền sẽ làm biên nhận riêng. Tuy nhiên, đến nay do bà M. chưa giao khoản tiền nào cho ông nên giữa hai bên không có một biên nhận nào.

Bên cạnh đó, ông D. còn cho rằng có một sự thật khác đằng sau việc vay tiền này: Vì để cháu gái của bà M. tin rằng ông không có tiền mà làm phiền ông nên ông và bà M. mới lập giấy thỏa thuận “vay giả”, trong giấy thỏa thuận có ghi rõ rằng “mượn tiền để giải quyết việc nuôi con với AP” (cháu gái bà M. - NV). Do đó, dù có cả giấy thỏa thuận vay tiền ngày 27-5-2011 lẫn hợp đồng vay tiền có công chứng ngày 28-5-2011 nhưng trên thực tế giữa ông với bà M. không hề có việc vay tiền thật, cũng như ông không hề nhận khoản tiền nào từ bà M.

Về phần mình, bà M. nói hợp đồng vay tiền có công chứng ngày 28-5-2011 là một khoản cho mượn khác, không liên quan gì đến vụ đòi nợ này, bà cũng đang định kiện ông D. bằng một vụ án khác...

“Gậy ông đập lưng ông”

Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2013, TAND quận 1 đã bác yêu cầu khởi kiện của bà M. vì chứng cứ giao nhận tiền chưa rõ ràng. Bà M. kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm vừa qua của TAND TP.HCM, ông D. xuất trình thêm chứng cứ là một giấy thỏa thuận ngày 28-5-2011 mà ông nói rằng vừa tìm thấy. Ông cho rằng theo giấy thỏa thuận này thì ông không hề nhận khoản tiền nào từ bà M. cả. Từ đó, ông tiếp tục khẳng định việc vay tiền giữa hai bên chỉ là giả tạo nhằm kéo dài thời gian tìm hiểu sự thật rằng có đúng là ông có con với cháu gái bà M. hay không.

Phía bà M. thì cho biết chỉ đòi tiền theo giấy thỏa thuận vay ngày 27-5-2011 nên không tranh luận gì về hợp đồng vay công chứng ngày 28-5-2011 lẫn giấy thỏa thuận ngày 28-5-2011 mà ông D. vừa xuất trình thêm. Theo bà M., trong giấy thỏa thuận ngày 27-5-2011 mà bà xuất trình thì chính ông D. đã tự tay viết có vay tiền của bà, nghĩa là đã nhận tiền vay.

Theo tòa phúc thẩm, giấy thỏa thuận ngày 27-5-2011 và hợp đồng vay có công chứng ngày 28-5-2011 là cùng một khoản tiền vay 500 triệu đồng.

Việc ông D. cho rằng chưa nhận khoản tiền vay này là không đúng. Bởi lẽ chính ông vừa xuất trình thêm giấy thỏa thuận ngày 28-5-2011, trong giấy này có nội dung ghi rõ là “bà M. đứng ra cho ông D. vay 500 triệu, hằng tháng ông góp lại cho bà 5 triệu, số tiền vay của bà M. công chứng...”.

Tòa phúc thẩm đánh giá đây chính là “biên nhận” của khoản tiền vay chứ không phải là có nội dung chưa nhận tiền như ông D. trình bày. Ông D. tự nguyện vay tiền của bà M., đồng thời góp trả cho bà để bà chuyển số tiền ông vay cho cháu gái nhằm giải quyết vấn đề ông có quan hệ tình cảm và có con với cô này. Nội dung này đúng như đã nêu thống nhất trong hai giấy thỏa thuận lập giữa hai bên vào hai ngày 27 và 28-5-2011.

Từ đó, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà M., sửa án sơ thẩm, buộc ông D. phải trả cho bà M. 500 triệu đồng như đã nói.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm